Thứ Tư, 1 Tháng Năm 2024

Nâng cao chất lượng lúa hàng hóa

Diện tích lúa chất lượng ở Hà Nội ngày càng được mở rộng
Diện tích lúa chất lượng ở Hà Nội ngày càng được mở rộng

Chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 có sức lan tỏa nhanh, hiện đã đạt khoảng 40.000 ha tại 14 huyện ngoại thành (chiếm 40% diện tích trồng lúa, tăng 30.000 ha so với năm 2010)

Chương trình góp phần cung cấp một phần sản phẩm gạo chất lượng cao cho thành phố, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Tuy nhiên, việc giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến có ý nghĩa quan trọng.

Để giảm tổn thất sau thu hoạch, cần chú tâm đến tất các khâu SX, từ giống cho đến các biện pháp canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Đây là một vấn đề lớn cần sự đầu tư cao và lâu dài.

Yếu tố quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp Hà Nội hiện nay là triển khai đồng bộ các giải pháp: Quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị cho các khâu SX. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia để có chất lượng nông sản tốt nhất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến.

* Một số biện pháp

– Quy hoạch vùng SX lúa hàng hóa: Mỗi xã hoặc liên xã hình thành vùng lúa hàng hóa đủ lớn để gieo trồng 1 loại giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

– Liên kết với doanh nghiệp SX và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa: Các xã, HTX, hộ xã viên cần liên kết SX lúa nguyên liệu cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

– Giống: Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao đưa vào SX các giống lúa có năng suất ,chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh và các điều kiện bất lợi, có thời gian gian sinh trưởng ngắn và ít rơi rụng trong quá trình thu hoạch.

– Canh tác: Cơ giới hóa và hiện đại hóa hệ thống canh tác, áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy… hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh.

– Thu hoạch: Lựa chọn thời điểm thu hoạch thích hợp nhằm tránh những bất lợi của thời tiết. Thay thế việc thu hoạch thủ công bằng những loại máy thu hoạch hiện đại, chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp. Sử dụng các loại máy tách hạt phù hợp, có tỷ lệ hạt gãy vỡ do va đập cơ khí ở mức thấp nhất, không tuốt lúa khi hạt còn ướt.

– Làm khô, tồn trữ: Làm khô lúa ngay sau khi thu hoạch, bảo quản đúng quy cách. Độ ẩm của thóc khi mới thu hoạch từ 22 – 28%, sau khi thu hoạch, trong vòng 48 giờ phải làm khô lúa để độ ẩm chỉ còn 20%, sau đó tuỳ nhu cầu làm khô lúa để xay xát ngay hoặc dự trữ lâu dài mà giữ độ ẩm khác nhau.

Quá trình sấy phải đảm bảo độ ẩm thoát ra từ từ, đồng thời đảm bảo sự chênh lệch nhiệt độ trong hạt lúa so với bên ngoài là nhỏ nhất. Nếu phơi trên sân phải phơi dầy, đảo lúa thường xuyên. Thóc có độ ẩm 13 – 14% có thể bảo quản được từ 2 – 3 tháng, nếu muốn lâu hơn 3 tháng thì độ ẩm của thóc tốt nhất từ 12 – 12,5%.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại máy sấy, phù hợp với quy mô, trình độ SX. Chú trọng việc đầu tư các hệ thống sấy tiên tiến, gắn với các cơ sở xay xát, dự trữ lương thực lớn.

Chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa quy mô hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Khuyến khích các hộ gia đình làm sân phơi nhằm đảm bảo phơi lúa hàng hóa đạt chất lượng cao.

Check Also

Bắc Kạn: Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng và chế biến ngô sinh khối

Trong khuôn khổ Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng và chế biến …