Ngày 7/10/2023, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa thảo dược (lúa cẩm) tại huyện Hoa Lư trong vụ Mùa 2023 thuộc đề tài “Nghiên cứu phát triển, chế biến các giống lúa thảo dược dinh dưỡng cao theo chuỗi giá trị gắn với du lịch tại huyện Hoa Lư”. Tham dự Hội nghị có ông Lưu Quang Minh – Phó chủ tịch huyện Hoa Lư; bà Nguyễn Thị Dung – đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình; ông Phạm Thái Thạch – trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư; ông Phạm Tăng – Giám đốc HTX nông nghiệp Phong Hoà – xã Ninh Mỹ; đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hoa Lư và 27 hộ tham gia mô hình sản xuất lúa thảo dược xã Ninh Mỹ. Về phía Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông có PGS.TS Lê Vĩnh Thảo – tác giả giống lúa Thảo cẩm 9; ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm và Chủ nhiệm đề tài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thăm và đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn hai giống lúa thảo dược là Thảo cẩm 9 và ĐH9 với quy mô 10ha trên cánh đồng xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Cả 2 giống lúa thảo dược tham gia mô hình đều sinh trưởng phát phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất khá ổn định đạt hơn 5,0 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 10 -15% so với sản xuất đại trà.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông nhấn mạnh chất lượng của các giống tham gia mô hình tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là khá cao được thể hiện qua các chỉ tiêu cảm quan, mùi vị và độ dẻo, Hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất như Omega 3,6,9, Protein,… có giá trị cao, rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt hàm lượng chất Anthocyanin khá cao giúp tác dụng ức chế các tế bào ung thư phát triển. Vì thế, đây được coi là biệt dược rất quý hiếm, do đó khi gieo trồng cây trồng thảo dược cần được quy vùng sản xuất tập trung, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thu hoạch đúng thời điểm và sấy khô phải qua máy sấy đúng kỹ thuật sấy khô mới đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm.
Hội nghị đã nghe các ý kiến của các hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình phát biểu, lãnh đạo hợp tác xã trực tiếp chỉ đạo sản xuất đều chỉ ra rằng 2 giống lúa Thảo cẩm 9 và ĐH9 sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.Vì vậy các hộ nông dân muốn được tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa thảo dược và đơn vị thực hiện đề tài cùng các cấp lãnh đạo của địa phương có chính sách tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm giúp bà con nông dân.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Ông Lưu Quang Minh – Phó chủ tịch huyện Hoa Lư đánh giá cao kết quả của đơn vị thực hiện đề tài Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông; sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa Thảo cẩm 9 và ĐH9 tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Phó chủ tịch huyện Hoa Lư cũng đề nghị Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông tiếp tục hoàn thiện và xây dựng quy trình canh tác cho các giống lúa thảo dược được tuyển chọn phù hợp với điều kiện địa phương và cũng đặc biệt nhấn mạnh về việc mô hình sản xuất lúa gạo thảo dược là cơ sở để hoàn thiện các sản phẩm lúa gạo thảo dược thành phẩm, giúp tiếp cận và phát triển thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với du lịch của huyện Hoa Lư.
Nhóm biên tập Cetdae