SƠN LA – Với giá bán hiện ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà lưới đem lại cho nông dân doanh thu từ 1,65 – 1,75 tỷ đồng/ha.
Trong thực tế, các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất rau an toàn chất lượng cao đã được triển khai khá tốt nhưng chưa chú trọng đến khâu tiêu thụ của sản phẩm. Các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến còn ít, yếu và không ổn định. Mặt khác, kết nối thị trường nội địa hiện nay đang tồn tại vấn đề bất cân xứng, tạo ra dư thừa một cách cục bộ, chỗ cần không có, chỗ có lại không lưu thông được, hiện tượng cung nông sản vượt cầu vẫn xảy ra.
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất rau thương phẩm chất lượng, đạt phẩm cấp cao, đồng đều, phù hợp với điều kiện đầu tư của nông dân tại một số tỉnh phía Bắc, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã triển khai dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình sản xuất rau chất lượng cao ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu tại một số tỉnh phía Bắc”.
Dự án được triển khai ở nhiều mô hình tại khu vực phía Bắc, trong đó có mô hình sản xuất dưa lê Hàn Quốc với quy mô 1,5ha tại thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La) trong vụ xuân hè 2023. Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng 1,5ha mô hình trồng dưa thơm, năng suất ≥30 tấn/ha/vụ; sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhờ sự hưởng ứng tích cực của nông dân, mô hình đã đạt được được nhiều kết quả vượt mục tiêu ban đầu. Trong đó, giống dưa lê Hàn Quốc được trồng trong nhà lưới với thời gian sinh trưởng 75 – 80 ngày cho thu hoạch, năng suất đạt 33 – 35 tấn/ha, giá bán hiện tại ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg, nông dân canh tác trong mô hình đạt doanh thu từ 1,65 – 1,75 tỷ đồng/ha.
Toàn bộ sản phẩm của mô hình được hỗ trợ tiêu thụ. Dự án triển khai đã hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là tập huấn và giới thiệu ứng dụng cổng công nghệ thông tin kết nối cung cầu. Thông qua việc đăng nhập cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu, các hộ tham gia mô hình đã biết đăng tải, giới thiệu các sản phẩm hiện có, kết nối với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Sau 3 năm, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau chất lượng cao ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu tại một số tỉnh phía Bắc” đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận như: Khắc phục được tình trạng bất cân xứng và dư thừa cục bộ, đảm bảo thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ thông qua việc thiết lập kênh thông tin tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa việc sử dụng các sản phẩm từ rau để phục vụ nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân tại các vùng trồng rau áp dụng công nghệ cao và các vùng chuyên canh rau theo hướng hữu cơ hoặc an toàn.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam