Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Japonica và hành trình thần tốc ‘mê hoặc’ nông dân Bắc bộ

Gặp chúng tôi, một nông dân ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ chia sẻ: “Đã trồng thử lúa Japonica rồi thì không thể bỏ được”.

Mô hình liên kết sản xuất lúa Japonica phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình liên kết sản xuất lúa Japonica phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Sản xuất giống lúa Japonica theo hướng hàng hóa ở miền Bắc

Hạt gạo không chỉ thực hiện vai trò giữ vững an ninh lương thực, mà còn ngành hàng xuất khẩu lớn, đem lại nguồn ngoại tệ khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho nước ta. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu kèm theo các hình thái thiên tai cực đoan.

Mặt khác, yêu cầu về chất lượng và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực thi.

Nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, và chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo nói riêng, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia về lúa gạo. Dự án này giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Chương trình này được kỳ vọng giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, nhất là đầu tư cho công tác chọn tạo giống; chế biến bảo quản sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu lúa gạo đủ sức cạnh tranh trên thị trường… Trong số các giống lúa được lựa chọn tham gia chương trình, nổi bật nhất là các nhóm gống lúa Japonica như VAAS16, ĐS1, ĐS3, J01 và J02.

Để nhân rộng, phát triển các giống lúa trên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã giao Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông chủ trì Dự án “Sản xuất một số giống lúa Japonica theo hướng hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc”.

Kể từ đó, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lúa gạo để xây dựng mô hình liên kết vùng sản xuất lúa Japonica theo chuỗi giá trị hàng hóa tập trung, với quy mô tối thiểu 50ha cho mỗi vùng.

Bà Hoàng Thị Phiến ở khu 10, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ cho biết: 'Đã trồng thử lúa Japonica rồi thì không thể bỏ được'. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Hoàng Thị Phiến ở khu 10, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ cho biết: “Đã trồng thử lúa Japonica rồi thì không thể bỏ được”. Ảnh: Minh Phúc.

Cách đây chừng 6 năm, những nông dân ở tỉnh trung du Phú Thọ như bà Hoàng Thị Phiến ở khu 10, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao chẳng biết lúa Japonica là gì. Chỉ nghe tên thôi đã thấy lạ lẫm, làm sao mà dám cấy. Bởi vậy, trong quá trình đưa giống Japonica J02 vào sản xuất, Công ty Cổ phần Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam hết sức vất vả.

Nhờ được hỗ trợ của dự án sản xuất giống lúa Japonica theo quy mô hàng hóa tại các tỉnh phía Bắc, công ty đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất lớn trong xây dựng, triển khai các mô hình. Và như lời chia sẻ của những nông dân: “Đã trồng thử lúa Japonica rồi thì không thể bỏ được”.

Bà Phiến chia sẻ: “Thời tiết như năm nay cấy các giống khác thì sẽ không được ăn, nhưng cấy giống J02 thì bông vẫn đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, hạt gạo J02 tròn, mẩy, chất lượng rất cao, ăn cơm rất ngon và thơm. Như chúng tôi trồng Khang dân thì chỉ bán được 7.000 đồng/kg thôi, nhưng giống lúa này chúng tôi bán 12.000 đồng/kg”.

Bà Hoàng Thị Kim Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Cao Xá, cho biết: “Tỷ lệ gieo cấy giống lúa J02 trên địa bàn xã đạt 98%, điều đó chứng minh giống lúa này thích nghi rất tốt với đồng đất của Cao Xá”.

Chuyển giao gói kỹ thuật thâm canh lúa Japonica

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, nếu áp dụng cách ngâm ủ thóc truyền thống của người nông dân thì tỷ lệ nảy mầm đạt rất thấp. Để khắc phục được tình trạng trên, Trung tâm đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình thử nghiệm để hoàn thiện quy trình thâm canh cho giống lúa Japonica. Đặc biệt là nghiên cứu kỹ thuật ngâm ủ, xử lý nảy mầm; nghiên cứu thời vụ cũng như xác định mật độ và phân bón thích hợp trong sản xuất lúa Japonica.

Đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thăm mô hình sản xuất lúa J01 tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thăm mô hình sản xuất lúa J01 tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Tại vùng cao nguyên đá Hà Giang, dù không có những cánh đồng lớn để sản xuất lúa, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một tiểu vùng sinh thái lý tưởng, để phát triển giống lúa Japonica.

Bởi đây là giống lúa có nguồn gốc ôn đới, xuất xứ từ Nhật Bản. Khí hậu mát lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn sẽ là điều kiện tối quan trọng để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là gạo hạt tròn japonica.

Năm 2018, tỉnh Hà Giang và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có cái bắt tay lịch sử, nhằm thay máu cơ cấu giống lúa lạc hậu của địa phương.

Cách đây mấy năm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đã về Hà Giang. Ông mong muốn tỉnh phát triển trên 2.000ha lúa Japonica để tạo thành các vùng sản xuất lớn chất lượng cao xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đó tưởng chừng là nhiệm vụ bất khả thi, bởi trình độ canh tác của đồng bào dân tộc nơi đây còn hạn chế, phương thức canh tác lạc hậu. Thế nhưng, điều kỳ tích đã xảy ra!

Từ những mô hình gieo cây giống lúa Japonica VAAS16, ĐS3 đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã học nhau mở rộng diện tích.

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang đã có hàng nghìn ha gieo cấy giống lúa Japonica. Đặc biệt giá bán lúa Japonica rất cao và luôn trong tình trạng khan hiếm, vì nhiều người thấy gạo ngon nên để lại cho gia đình sử dụng.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm gạo Japonica được sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm gạo Japonica được sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Để chủ động nguồn cung giống VAAS 16 tại chỗ, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã phối hợp với Hợp tác xã Trung tâm Khoa học Kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức để sản xuất giống lúa cấp siêu nguyên chủng với quy mô 50ha tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Vụ xuân năm 2019, các mô hình gieo cấy lúa VAAS 16 đạt năng suất lúa bình quân 65 tạ/ha khiến các địa phương lân cận trầm trồ thán phục.

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ gạo Japonica tăng cao. Để chủ động nguồn cung, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các địa phương và nông dân Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung để sản xuất các giống Japonica.

Nhân rộng sản xuất cánh đồng lớn tại nhiều tỉnh phía Bắc

Bà Nguyễn Thị Tâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, chia sẻ: “Năm 2014, chúng tôi bắt đầu phát triển lúa J02 ra thị trường. Ở miền Bắc giai đoạn đầu thì chúng tôi phát triển ở vùng ĐBSH, đến giai đoạn 2 chúng tôi thực hiện ở miền Trung và Tây Nguyên.

Cho đến nay có thể nói diện tích lúa J02 đã được trải dài trên các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một phần thì chúng tôi đang làm khảo nghiệm ở phía Nam. Có thể nói J02 nằm trong top được người sử dụng, đặc biệt là bà con nông dân đánh giá đây là giống lúa mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Tâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (giữa), chia sẻ về quá trình phát triển giống lúa J02 tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Nguyễn Thị Tâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (giữa), chia sẻ về quá trình phát triển giống lúa J02 tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phúc.

Tại Hà Nội, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam và các HTX, triển khai nhiều mô hình sản xuất giống J01 tại huyện Ứng Hòa. Kết quả, năng suất lúa đạt 61,6 tạ mỗi ha. Nhiều địa phương khác cũng sản xuất đại trà giống lúa Japonica này.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa: “Đối với các giống lúa Japonica, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã và các cơ quan chuyên môn tập trung thử nghiệm ở xã Hoa Sơn năm 2016, sau hai vụ thử nghiệm đã triển khai hỗ trợ cho các hợp tác xã và nhân dân 100% giống để mở rộng. Tới nay trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã mở rộng được diện tích là 3.450ha, chiếm trên 40% diện tích”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Japonica là lúa nguồn gốc ôn đới, hiện nay chúng ta đã hợp tác rất tốt với các nước như Nhật Bản, Đài Loan hay là Hàn Quốc để trao đổi nguồn gen và tuyển chọn những giống phù hợp với Việt Nam”.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, những năm qua, cơ quan của Bộ NN-PTNT, các Viện nghiên cứu và trực tiếp là Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã đi các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất giống Japonica tại các tỉnh phía Bắc.

“Đặc biệt như tỉnh Phú Thọ đã có gần 10.000 ha sản xuất giống Japonica trong một vụ. Nhiều nơi khác như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên cũng đang mở rộng diện tích giống lúa này. Tới đây chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng này để đa dạng thêm sản phẩm lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Minh Phúc – Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Check Also

Nghiệm thu đề tài cây trồng thảo dược tại Tuyên Quang

Ngày 29 tháng 12 năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang …