Thứ Hai, 29 Tháng Tư 2024

Hội nghị đầu bờ: Mô hình phát triển sản xuất lúa thảo dược tại xã Hoàng Khai – Yên Sơn – Tuyên Quang

Năm 2023, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với UBND xã Hoàng Khai, Phòng NNN&PTNT huyện Yên Sơn, triển khai xây dựng mô hình phát triển sản xuất lúa thảo dược trong khuôn khổ đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển sản xuất một số giống cây trồng thảo dược (lúa tím, lúa đen và lạc đen) tại tỉnh Tuyên Quang”;

Với mục tiêu phát triển sản xuất giống lúa thảo dược tại tỉnh Tuyên Quang, ngày 27/05/2023, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình phát triển sản xuất lúa thảo dược tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tham gia hội nghị có ông Đỗ Văn Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông; Lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang: ông Ngô Tuấn Dũng– Phó Giám đốc Sở, Lãnh đạo các Phòng/Ban của huyện Yên Sơn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế và Hạ Tầng; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp; Lãnh đạo UBND xã Hoàng Khai; Đại diện các hộ trồng lúa thảo dược; Các hộ nông dân ngoài mô hình.

Thay mặt cho chính quyền địa phương, ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết: Việc phát triển sản xuất lúa chất lượng, giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao đang rất được chính quyền tỉnh quan tâm và phát triển trong thời gian gần đây. Vì vậy việc phát triển sản xuất lúa thảo dược trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là hết sức cần thiết. Kết quả thực hiện xây dựng mô hình phát triển sản xuất lúa thảo dược cho thấy 2 giống lúa thảo dược Thảo cẩm 5 và ĐH9 có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ khá tốt, năng suất dự kiến đạt trên 56 tạ/ha,  hiệu quả cao trên 10% so với giống đài thơm 8 đối chứng ngoài mô hình. Qua phân tích chất lượng cho thấy 2 giống lúa thảo dược có các chất dinh dưỡng như Omega 3,6,9 cao vượt trội so với giống lúa Đài thơm 8 đối chứng. Hàm lượng các vitamin, Fe khá cao và có chất anthoxyanin là chất ức chế tế bào ung thư, ngoài ra chất lượng cơm của lúa thảo dược ngon, thơm nhẹ, dẻo và rất tốt cho người mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì…

Hội nghị diễn ra sôi nổi và nhận được rất nhiều các ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các đơn vị quản lý về thời vụ canh tác, quy trình chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa thảo dược và được sự ủng hộ của bà con nông dân trong và ngoài mô hình. Sau khi nghe các đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận, định hướng phát triển giống lúa thảo dược trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất:

Tiếp tục triển khai phát triển sản xuất giống lúa thảo dược tại xã Hoàng Khai trong vụ Mùa tới.

Quy hoạch vùng sản xuất nhằm phát triển giống lúa thảo dược theo hướng hàng hoá và phát triển thị trường cho giống lúa thảo dược tại tỉnh Tuyên Quang.

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp, Ông Đỗ Văn Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hứa hẹn nhiều hợp tác hơn nữa trong phát triển lúa thảo dược nói riêng và các cây trồng khác nói chung.

Nhóm biên tập Cetdae

 

 

 

Check Also

Hà Nội: Kiểm tra đánh giá mô hình sản xuất giống ngô lai VS201

Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà …