Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Một 2024

Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022

Ngày 16.3.2023, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở dự án khuyến nông trung ương: “Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất canh tác kém hiệu quả cho đồng bào dân tộc vùng khó khan tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”, giai đoạn 2020-2022; Chủ nhiệm dự án: ThS. Nguyễn Văn Bằng. Dự án nghiệm thu với 7 thành viên tham gia đánh giá là các thầy có trình độ, chuyên môn trong ngành nông nghiệp đang công tác tại cục trồng trọt, trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Chủ nhiệm dự án đã báo cáo kết quả đạt được sau 3 năm triển khai, thực hiện dự án như sau:

* Về xây dựng mô hình:

– Xây dựng mô hình chuyển đổi, tăng vụ sản xuất rau an toàn:

+ Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa một vụ sang trồng dưa chuột hè thu + bí xanh thu đông: triển khai tại tỉnh Lai Châu năm 2020, 2022 vừa chuyển đổi từ lúa mùa sang trồng dưa chuột hè thu, vừa tăng thêm được một vụ bí xanh thu đông, năng suất trung bình mô hình dưa chuột đạt 40-45 tấn/ha, lợi nhuận 57,5-58,0 triệu đồng/ha; năng suất mô hình bí xanh đạt 33-39 tấn/ha, lợi nhuận 43,5-55,0 triệu đồng/ha; tổng lợi nhuận của cả cơ cấu đạt 101,5-107,5 triệu đồng/ha, tăng 71,5-77,5 triệu đồng/ha (3,4-3,6 lần) so với cơ cấu lúa mùa + bỏ hóa;

+ Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa một vụ sang trồng cà chua hè thu + bí xanh thu đông: triển khai tại tỉnh Lai Châu năm 2020, Bắc Kạn năm 2021, Cao Bằng năm 2022, vừa chuyển đổi từ lúa mùa sang trồng cà chua hè thu, vừa tăng thêm được một vụ bí xanh thu đông, năng suất trung bình mô hình cà chua đạt 25-41 tấn/ha, lợi nhuận 44,0-74,0,0 triệu đồng/ha; năng suất mô hình bí xanh đạt 29-39 tấn/ha, lợi nhuận 32,0-48,0 triệu đồng/ha; tổng lợi nhuận của cả cơ cấu đạt 76,0-117,5 triệu đồng/ha, tăng 46,0-87,5 triệu đồng/ha (2,5-3,9 lần) so với cơ cấu lúa mùa + bỏ hóa;

+ Mô hình chuyển đổi cây trồng vụ xuân kém hiệu quả trong cơ cấu vụ xuân (ngô, đậu đỗ) + lúa mùa sang trồng mướp đắng xuân +  lúa mùa: triển khai tại tỉnh Bắc Kạn năm 2021, 2022, năng suất trung bình mô hình mướp đắng rừng đạt 20,0 tấn/ha, lợi nhuận 144,0-147,0 triệu đồng/ha; mô hình ngô xuân hè trong cơ cấu cũ cho lợi nhuận 21,0-26,0 triệu đồng/ha. Vì vậy, Cơ cấu cây trồng mới (Mướp đắng xuân hè + lúa mùa) ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tăng thêm thu nhập so với cơ cấu cũ (Ngô xuân hè + lúa mùa) 121,0-123,0 triệu đồng/ha (3,2-3,4 lần).

+ Mô hình tăng vụ bí xanh thu đông trên đất lúa một vụ: triển khai tại tỉnh Lai Châu năm 2020, Bắc Kạn năm 2020, 2021, 2022, Cao Bằng năm 2021, 2022, góp phần tăng thêm được một vụ bí xanh thu đông trên đất lúa một vụ, năng suất trung bình mô hình bí xanh đạt 25-40 tấn/ha, lợi nhuận 33,0-73,0 triệu đồng/ha; tổng lợi nhuận của cả cơ cấu đạt 63,0-103,0 triệu đồng/ha, tăng 33,0-73,0 triệu đồng/ha (2,1-3,3 lần) so với cơ cấu lúa mùa + bỏ hóa;

+ Mô hình tăng vụ cải xanh ăn lá thu đông trên đất lúa một vụ: triển khai tại tỉnh Lai Châu năm 2020-2022, góp phần tăng thêm được một vụ cải xanh ăn lá thu đông trên đất lúa một vụ, năng suất trung bình mô hình cải xanh đạt 17,5-20,0 tấn/ha, lợi nhuận 34,0-54,0 triệu đồng/ha; tổng lợi nhuận của cả cơ cấu đạt 64,0-84,0 triệu đồng/ha, tăng 34,0-54,0 triệu đồng/ha (2,1-2,8 lần) so với cơ cấu lúa mùa + bỏ hóa.

– Xây dựng mô hình chuyển đổi cây ăn quả lợi thế của địa phương (trồng mới và thâm canh cây Lê): trồng mới và thâm canh 10,0 ha tại 2 tỉnh Lai Châu và Cao Bằng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cây tuổi 3 cho quả bói, năng suất cây tuổi 3 từ 135-166 kg/ha. Đầu tư trong 3 năm đầu – thời kỳ kiến thiết cơ bản khoảng 100 triệu/ha, sau 3 năm trồng cây sẽ bước vào chu kỳ kinh doanh thu hồi vốn. Năng suất tăng theo thời gian và dần ổn định trong chu kỳ kinh doanh từ 30-50 năm, cây tuổi 8 cho lợi nhuận xấp xỉ 250 triệu đồng/ha.

– Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm: Xây dựng được 02 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 02 tỉnh Lai Châu (2021) và Cao Bằng (2022) tạo được sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã tiêu thụ được 40,0 tấn rau cải xanh ăn lá; 40,0 tấn cà chua; 50,0 tấn bí xanh với giá cao hơn giá thị trường tự do từ 500-1.000 đồng/kg. Đây là cơ sở và niềm tin để các tác nhân trong chuỗi tiếp tục mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cơ câu cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả.

* Về đào tạo, tập huấn:

– Đã tổ chức được 26 lớp THKT cho 1.025 lượt nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, BVTV, thu hoạch,… các cây trồng tham gia các mô hình của dự án;

– Đã tổ chức được 15 lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình cho 525 lượt nông dân ở những vùng có điều kiện tương đồng và các hộ có nhu cầu nắm bắt và tìm hiểu để mở rộng mô hình vào trong sản xuất.

* Về thông tin tuyên truyền:

Đã tổ chức 09 hội nghị thăm quan tại 3 tỉnh triển khai dự án với 900 lượt đại biểu để giới thiệu, quảng bá và mở rộng kết quả đạt được của dự án với nhiều hình thức khác nhau: thăm quan, biển hiệu, pano, tờ rơi,…

* Về hội nghị tổng kết:

Đã tổ chức 24 hội nghị tổng kết mô hình với tổng cộng 1.200 đại biểu tham dự và 02 hội nghị tổng kết vùng với 300 đại biểu nhằm tuyên truyền kết quả mô hình cho nông dân học tập, ứng dụng và nhân rộng; kết nối cung cầu giữa người sản xuất với các tác nhân thương mại, doanh nghiệp.

Dự án được hội đồng đánh giá cao vì có khả năng mở rộng vào sản xuất.

Nhóm biên tập Cetdae

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Check Also

Đại hội Chi đoàn Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, nhiệm kỳ 2024 – 2027

Sáng ngày 28/8, Chi đoàn Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông long …