Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024

Hệ thống Khuyến nông đang đứt gãy

Phát triển nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm cho xã hội phải bắt đầu từ cái gốc, chỉ đạo sản xuất, giám sát đồng rộng ở những cấp thôn, xã trở lên. Đội ngũ Khuyến nông cơ sở cũng như các trạm Khuyến nông huyện, trung tâm Khuyến nông tỉnh đóng vai trò rất lớn trong việc đó, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã.

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Cách đây 5 – 6 năm, nhiều nơi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), từ đồi cao đến ruộng thấp đều trắng lốp một màu của những bao tải phân gà không ủ mà để nguyên cả vỏ.

Không phải là bón cây mà là giết cây

Chúng được nông dân đặt ngay trên mặt đất xen kẽ với các gốc cây ăn quả. Anh Chu Văn Hòa – khuyến nông cơ sở xã Tân Mộc (huyện Lục Ngạn) thấy vậy liền hỏi. Bà con trả lời hồn nhiên rằng, cứ để thế cho hoai mục rồi tự nó “bón” cho cây. Anh liền bảo: “Đây không phải là bón cho cây mà là giết cây đấy bởi phân chuồng mà nhất là phân gà khi chưa ủ có rất nhiều vi sinh vật gây hại, trong đó có nấm fusarium cùng với các loại kim loại nặng. Bởi thế bắt buộc phải ủ kín để sinh nhiệt mới triệt tiêu được, nếu không nấm fusarium sẽ ảnh hưởng đến rễ cây, gây ra bệnh vàng lá thối rễ cho cây có múi. Khi cây còn nhỏ chưa ăn đến phân thì chưa thấy hậu quả nhưng chỉ vài năm là rõ ngay”.

Anh khuyên bảo thế nhưng chỉ có một số là chịu nghe còn phần lớn thấy hôm nay bón không sao, ngày mai, ngày kia bón không sao nên cứ làm, đến mấy năm sau khi bệnh vàng lá lan tràn đã là quá muộn. Có đội ngũ khuyến nông cơ sở cảnh báo còn như thế chứ không còn đội ngũ này thì ai cảnh báo cho bà con? Thực tế những đồi dốc, có mưa rửa trôi bớt đi lượng phân chuồng chưa ủ kỹ ấy còn đỡ chứ ở những vườn bằng chỉ ba bốn năm sau là xóa sổ sạch.

Anh Hòa (bên trái) đang trao đổi kỹ thuật với một nhà vườn trồng bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hòa (bên trái) đang trao đổi kỹ thuật với một nhà vườn trồng bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đó, hồi năm 2011, 2012 thấy lợi nhuận từ cây có múi cao quá, hầu hết diện tích ruộng trũng của Lục Ngạn đã bị đổ đất, san lấp để lập vườn, nhà sau đổ cao hơn nhà trước nên cây bị đọng nước chết không ít. Thậm chí nhiều người dân còn mua những cây cam 2 – 3 năm tuổi, nguồn gốc rất trôi nổi về trồng để năm sau có thu hoạch luôn. Cái lợi về kinh tế làm cho bà con mờ mắt, không nhìn thấy những lỗ hổng chết người về kỹ thuật, về thị trường, chỉ khi giá cam hạ, dịch bệnh xảy ra liên miên thì mới giật mình, hối hận.

Anh Hòa có quãng thời gian gần 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, từ Phòng NN-PTNT rồi xin nghỉ ra làm ngoài để bán cây giống, sang Sở Khoa học và Công nghệ đến về quê làm khuyến nông cơ sở ở xã Tân Mộc vào năm 2009. Lúc đó huyện đang bắt đầu chuyển đổi rất nhanh sang trồng cây có múi nhưng toàn kiểu tự phát, thấy nơi này, nơi kia trồng cam Canh, cam Vinh có tiền cũng học làm theo.

Vai trò của đội ngũ khuyến nông cơ sở và Trạm Khuyến nông lúc đó rất quan trọng khi mỗi năm mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. Hàng tháng, Trạm có công văn gửi cho các xã, căn cứ vào đó mà đội ngũ khuyến nông cơ sở ra văn bản, triển khai hoạt động tới dân, cụ thể đến mức vải phải chăm sóc khoanh cành, xử lý ra sao để không ra lộc vụ đông vì sẽ không có quả; cam phải dưỡng quả thế nào. Thời điểm gần thu vải cũng là lúc rất quan trọng đối với việc chăm sóc cam, chỉ lơ là đôi tuần thì sẽ mất cả vụ nên khuyến nông thường xuyên nhắc dân phải thăm vườn 2 – 3 ngày/lần để phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường.

Sản phẩm hoa quả của Lục Ngạn tại một cuộc giới thiệu, kết nối nông sản. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm hoa quả của Lục Ngạn tại một cuộc giới thiệu, kết nối nông sản. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở Tân Mộc, anh Hòa hay xuống những nhà vườn lớn để trao đổi về tất cả các khâu như chuẩn bị giống, cách trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật. Từ những nhà vườn lớn các nhà vườn nhỏ đến học tập đã tạo nên một phong trào phát triển kinh tế sôi nổi, nhiều gia đình thu đến cả tỉ đồng mỗi năm.

Bởi giàu kinh nghiệm nên anh được Trạm Khuyến nông mà sau này là Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện cử đi tập huấn cho các thôn, xã. “Tôi làm tập huấn cho 30 xã, thị trấn trong huyện, thấy ở dưới họ thường ít quan tâm đến nông nghiệp mà phó mặc cho đội ngũ khuyến nông, thú y cơ sở bởi việc ở UBND xã cũng rất nhiều. Hàng ngày, hàng tháng chúng tôi đều đến tuyên truyền cho bà con, mỗi năm lại mở 5 – 10 lớp tập huấn, “nhồi nhét” kỹ thuật như thế mà vẫn còn những sai lầm trong sản xuất.  

Mấy năm nay ở huyện có hiện tượng vàng lá trên cây cam, diện tích nhiễm rất nhiều, đúng như tôi đã cảnh báo từ 5 năm trước nhưng nhiều bà con không làm theo, đành chấp nhận hậu quả. Ở xã Tân Mộc tôi phụ trách tuy cũng bị nhiễm bệnh vàng lá nhưng đến thời điểm này vẫn giữ được nhiều diện tích nhất, chỉ hỏng cỡ 40%, còn những xã khác phải hỏng cỡ 50 – 60% thậm chí 70%”, anh Hòa kể.

Anh Hòa đang kiểm tra một vườn cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hòa đang kiểm tra một vườn cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Vai trò của đội ngũ khuyến nông cơ sở quan trọng nhưng chỉ âm thầm hoạt động thế thôi. Chúng tôi vẫn nói vui rằng đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã cả năm chỉ làm một hai việc gì đó là ầm ầm, rùm beng lên hết nhưng khuyến nông ngày nào cũng làm việc mà không mấy ai biết”

Anh Chu Văn Hòa – khuyến nông cơ sở

Khi tôi hỏi về chuyện hết năm 2024 tỉnh Bắc Giang sẽ xóa hệ thống khuyến nông, thú y cơ sở thì anh Hòa đầy tâm tư: “Tôi thấy ở cấp huyện sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật và Chăn nuôi – Thú y cũng không sao cả nhưng ở cấp xã, nên giữ đội ngũ khuyến nông cơ sở vì vai trò nông nghiệp vẫn còn rất lớn với Lục Ngạn, như xã tôi diện tích cây ăn quả tới hơn 1.000ha. Tôi cũng sắp nghỉ hưu rồi vì đã 57 tuổi nhưng e là sắp tới tỉnh bỏ đội ngũ khuyến nông cơ sở thì sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Thực ra, không có đội ngũ khuyến nông, thú y thì bà con vẫn làm nông thôi nhưng sẽ khó có hiệu quả cao được. Với những cây trồng đơn giản, truyền thống như lúa thì có thể không cần nhưng với những cây trồng mới, đòi hỏi kỹ thuật cao như cây có múi, nếu không có tập huấn kỹ thuật một cách bài bản mà chỉ học mót nhau, không có người dự tính, dự báo về sâu bệnh thì hậu quả rất lớn…”.

“Vai trò của đội ngũ khuyến nông cơ sở quan trọng nhưng chỉ âm thầm hoạt động thế thôi. Chúng tôi vẫn nói vui rằng đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã cả năm chỉ làm một hai việc gì đó là ầm ầm, rùm beng lên hết nhưng khuyến nông ngày nào cũng làm việc mà không mấy ai biết”

Gặp một khuyến nông cơ sở đoạt giải thưởng Lương Định Của

Khi tôi hỏi đường tới Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Lục Ngạn nhiều người không biết, kể cả cán bộ huyện. Lâm Nguyên Năng – Giám đốc Trung tâm vốn là một khuyến nông viên cơ sở thế hệ thứ hai, được Sở Nội vụ tỉnh xét tuyển, bắt đầu chính thức làm việc từ 1/1/2005 ở xã Kiên Lao với mức lương được trả theo bằng cấp như viên chức.

Thời điểm đó, diện tích lúa ở đây vẫn còn rất nhiều nhưng chỉ là giống thuần Khang Dân của Trung Quốc, năng suất làng nhàng 1,8 – 2 tạ/sào. Năng chính là “cha đẻ” của mô hình lúa lai đầu tiên ở huyện. Vốn đã quen với chuyện cấy dầy, 3 – 4 dảnh mỗi khóm của lúa thuần, lúc đầu khi nghe anh tập huấn về chuyện cấy 1 dảnh với mật độ thưa nhiều người dân đã không tin.

Từ một khuyến nông viên cơ sở, Năng đã được giải thưởng Lương Định Của. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ một khuyến nông viên cơ sở, Năng đã được giải thưởng Lương Định Của. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năng lại phải kiên nhẫn giải thích rồi xây dựng mô hình, trực tiếp làm để thị phạm, thường xuyên đi thăm đồng để sâu sát quá trình phát triển của cây cũng như tình hình sâu bệnh hại. Nhờ vậy, mô hình đã đạt năng suất 2,6 – 2,7 tạ/sào, từ đó nhân rộng ra hàng trăm, hàng ngàn ha tại Lục Ngạn.

Trong quá trình làm việc, anh chàng kỹ sư người Sán Chí này còn đi học thạc sĩ để tự nâng cao tay nghề. Công tác ở xã Kiên Lao từ năm 2005 đến 2010 thì Năng chuyển sang xã Thanh Hải. Chỉ trong 2 vụ anh đã giúp cho địa phương này chuyển đổi cỡ 70% lúa thuần sang giống lai, năng suất đạt gần gấp rưỡi, nhờ đó mà được tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2011, được tuyển về Trạm Khuyến nông huyện công tác.

Trực tiếp quản lý Trạm Khuyến nông khi đó là UBND huyện, còn Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì chỉ đạo về chuyên môn. Trạm Khuyến nông lại quản lý các khuyến nông viên cơ sở ở 30 xã, thị trấn từ trả lương, chuyên môn đến công tác Đảng, đoàn thể, mọi hoạt động cứ thế vận hành rất trơn chu.

Bắt đầu từ năm 2019 khi sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật và Chăn nuôi – Thú y về thành Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thì đã có những đổi khác. Chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp do Sở NN-PTNT ban hành, trên cơ sở gộp chức năng, nhiệm vụ của 3 Trạm cũ thì bị Sở Tư pháp bác bỏ vì cho rằng không có căn cứ.

Các chức năng quản lý Nhà nước của Trạm Chăn nuôi – Thú y là kiểm dịch, của Trạm Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật là quản lý thuốc sâu bị chuyển về cho Phòng NN-PTNT nhưng đơn vị này lại không có người để tiếp quản. Trong khi chức năng mới là dịch vụ nhà nước thì các Trung tâm lại chưa có cơ chế hoạt động ra sao nên cũng khó có thể triển khai. Ở dưới xã thì hiện UBND quản lý luôn từ việc trả lương, các hoạt động Đảng, đoàn thể của khuyến nông cơ sở. Tư tưởng của họ đang dao động dữ dội khi nghe tin tỉnh Bắc Giang chỉ cho phép hoạt động đến hết năm 2024 rồi thân ai, người ấy lo. Bởi thế đã có 2 người xin thôi việc.

Không chỉ Năng mà nhiều cán bộ khuyến nông cơ sở khác giai đoạn đó đã giúp ích cho rất nhiều cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Diện tích cây ăn quả cũng như hiệu quả của vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn có được như hiện nay có công rất lớn đóng góp của đội ngũ này.

Bưởi da xanh trên đất Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi da xanh trên đất Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Check Also

Bắc Kạn: Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng và chế biến ngô sinh khối

Trong khuôn khổ Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng và chế biến …