Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Một 2024

Xuống giống lúa đông xuân dứt điểm trong tháng 12

Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL còn khoảng 550 nghìn ha lúa đông xuân chưa xuống giống, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2021.

Ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL.

Chủ động ứng phó quyết liệt hạn mặn

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa đông xuân (ĐX) 2021, các tỉnh ĐBSCL có kế hoạch xuống giống 1,55 triệu ha. Đến nay, các địa phương đã xuống giống gần 1 triệu ha, đạt kế hoạch mùa vụ, đảm bảo né mặn của Bộ NN-PTNT.

Cùng với việc tuân thủ lịch thời vụ, vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi của Bộ NN-PTNT như công Bông Bót, Tân Dinh, Cái Bé, Âu thuyền Ninh Quới, Vũng Liêm…, các địa phương cũng đang nỗ lực thực hiện phòng chống hạn mặn bảo vệ sản xuất trong thời gian tới. Đáng phấn khởi, trà lúa xuống giống sớm vụ đông xuân 2021 – 2022 vào đầu tháng 10 đang ở giai đoạn xanh chín sắp thu hoạch. Lúa sinh trưởng tốt, năng suất ước đạt cao.

Trà lúa đông xuân sớm tháng xuống giống vào 10 sinh trưởng tốt, dự báo cho năng suất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Trà lúa đông xuân sớm tháng xuống giống vào 10 sinh trưởng tốt, dự báo cho năng suất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Với vấn đề hạn mặn, năm nào, Cục Trồng trọt cùng các địa phương ĐBSCL cũng đều trên tinh thần chủ động chuẩn bị ứng phó, dù cho hạn mặn có xảy ra hay không. Sự chủ đông này là điều rất tốt. “Hiện nay, các trà lúa đông xuân 2021 – 2022 dù có hạn mặn thì khả năng vẫn bảo vệ được tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự chủ động các biện pháp này trong thời gian tới tại ĐBSCL”.

Tại Tiền Giang, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, vụ lúa ĐX 2021 – 2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống hơn 49.000 ha. Đến nay, nông dân Tiền Giang đã xuống gần 47.000 ha. Nhìn chung, lúa ĐX 2021 – 2022 tại vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng ngọt hóa Gò Công đã xuống giống cơ bản dứt điểm. Hiện lúa đang giai đoạn mạ – đẻ nhánh, tình hình sâu bệnh không đáng kể.

Riêng hệ thống Cổ Chi (một phần huyện Tân phước và Châu Thành còn lại), dự kiến sẽ xuống giống theo lịch đợt 2 (từ ngày 20/12 – 30/12/2021) thêm khoảng 2.000 ha, sẽ đạt 100% diện tích kế hoạch vụ.

Trên cây ăn trái, tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái hiện có (82.766 ha), áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, sản xuất theo hướng an toàn, giảm giá thành sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, cây ăn trái vụ ĐX thu hoạch với sản lượng trên 216.700 tấn, đạt trên 37% kế hoạch sản lượng toàn vụ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương tranh xuống giống dứt điểm vụ đông xuân trong tháng 12/2021. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương tranh xuống giống dứt điểm vụ đông xuân trong tháng 12/2021. Ảnh: Minh Đảm.

Trước nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn mùa khô, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho hay, tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp công trình như: Khẩn trương thi công và sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi đảm bảo ngăn lũ và triều cường, ngăn mặn và trữ nước ngọt; tổ chức vận hành hợp lý các công trình để phục vụ tốt nhất cho sản xuất.

Đồng thời, triển khai thực hiện phương án số 315 của UBND tỉnh về phòng chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 – 2022. Nhất là sẵn sàng vận hành các giếng cung cấp nước ngọt cho các vườn cây ăn trái ở huyện Cai Lậy…

Đối với giải pháp phi công trình, tỉnh bố trí hợp lý lịch thời vụ sản xuất lúa. Những nơi không xuống giống kịp lịch thời vụ, đã khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày để đảm bảo sản xuất an toàn. Triển khai sản xuất lúa và sắp xếp, bố trí lịch thời vụ sản xuất thuận theo điều kiện tự nhiên.

Các huyện phía tây (vùng chịu ảnh hưởng lũ) của tỉnh Tiền Giang không sản xuất lúa, để đất nghỉ ngâm lũ đón phù sa; các huyện phía đông (vùng ảnh hưởng hạn, mặn) thực hiện cắt vụ lúa thu đông (vụ sản xuất nhiều rủi ro, hiệu quả sản xuất thấp) để sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc (vụ hè thu và đông xuân). Đồng thời, giảm lượng giống lúa gieo sạ, xuống giống lúa theo lịch thời vụ khuyến cáo, né sâu rầy… tạo cây lúa khỏe giảm sử dụng vật tư nông nghiệp….

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình phòng chống hạn mặn ở vùng cây ăn quả tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình phòng chống hạn mặn ở vùng cây ăn quả tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Tại vườn 1,2 ha cây sầu riêng của ông Lê Văn Tiếng ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), đứng trước mùa hạn sắp tới, nông dân này đã chủ động trữ nước ngọt trong ao, mương vườn và chủ động các giải pháp kỹ thuật như giữ cỏ dưới gốc, tưới nước tiết kiệm…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đánh giá cao công tác chủ động phòng chống hạn mặn sắp tới của địa phương cũng như của nông dân nơi đây. Thứ trưởng nhận xét cách làm của ông Tiếng cần được nhân rộng để bà con chủ động ứng phó với hạn mặn xảy ra bất cứ tình huống nào.

Bởi theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đối với các vườn cây ăn trái ở ĐBSCL, quan trọng nhất là phải chủ động các giải pháp, phương án trong điều kiện hạn mặn xảy ra. “Chúng ta đã chứng kiến hạn lịch sử năm 2019 – 2020. Rất nhiều vườn trái cây đã bị thiệt hại bởi không có đủ điều kiện nước tưới cho cây. Do đó, giải pháp tích trữ nước ngọt để phục vụ cho cây ăn trái rất quan trọng ở ĐBSCL”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Ngoài giải pháp trữ ngọt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh còn đề nghị bà con cần tăng cường bón phân hữu cơ để tăng cường sức chống chịu của cây nếu hạn mặn xảy ra khốc liệt.

Thêm nữa, bà con cũng có thể sử dụng thêm rơm rạ, xác thực vật khô, phế phụ phẩm của trồng trọt… để phủ vào gốc cây. Những biện pháp này có thể giúp giảm thoát hơi nước, góp phần cho cây vượt qua điều kiện khô hạn sắp tới. Đây là giải pháp rất dễ làm, và góp phần trả lại hữu cơ cho đất, bảo vệ độ phì cho đất canh tác lâu dài.

Hai vấn đề lớn của vụ ĐX 2021-2022

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ ĐX này, nông dân đang đối mặt hai vấn đề lớn.

Thứ nhất, bà con cần lưu ý vấn đề giá vật tư, giá xăng dầu, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, làm thay đổi hình thức canh tác, có thể dẫn đến các hình thức canh tác cực đoan, chẳng hạn nông dân không bón phân, bón không đúng…

Đoàn công tác kiểm tra tình hình trữ nước ngọt, sẵn sàng ứng phó hạn mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình trữ nước ngọt, sẵn sàng ứng phó hạn mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

“Chúng tôi đề nghị bà con bón phân theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân bón có hiệu quả như bón vùi vào đất tránh thất thoát. Bên cạnh đó, đề nghị bà con sử dụng kết hợp phân bón vô cơ và bón thêm phân bón hữu cơ. Cùng với việc giảm lượng lúa giống gieo sạ, sẽ giúp trà lúa ít bị sâu bệnh tấn công hơn. Nếu có sâu bệnh hại xảy ra, chúng ta cũng nên cân nhắc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo”, ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.

Vấn đề thứ hai theo ông Tùng, đó là tình hình hạn mặn có thể diễn ra, dù có thể không khốc liệt bằng năm 2020, nhưng nếu không có sự chủ động về lịch thời vụ để né mặn, phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi điều tiết mặn – ngọt, vẫn có thể xảy ra ảnh hưởng. Đến nay, những diện tích từ bờ biển trở vào 60 – 70 km cơ bản đã xuống giống xong, đối với những diện tích chưa xuống giống, đề nghị bà con ngưng hẳn.

Đối với diện tích trên 550 nghìn ha lúa ĐX 2021 – 2022 còn lại, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tranh thủ xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2021. Đây là khung thời vụ tốt nhất để né hạn mặn nếu xảy ra trong vụ này.

Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị bà con áp dụng tất cả biện pháp tiến bộ canh tác như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” để vừa tiết kiệm vật tư, vừa nâng cao năng suất chất lượng, cũng là bảo vệ môi trường. Nhất là phân hóa học, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị bà con tiết giảm và bón cân đối phân bón hoá học, tăng cường phân bón hữu cơ. Đồng thời, tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Minh Đàm – Báo NNVN

Check Also

Hà Nội: Kiểm tra đánh giá mô hình sản xuất giống ngô lai VS201

Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà …