Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho rằng, trong 38 nước XK nông sản hàng đầu, chúng ta đứng ở vị trí 21 là không tồi.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải phát huy được thế mạnh, tiếp tục nâng cao năng suất và giá trị để tiến xa hơn.
Chúng ta đang đi đúng hướng
Thưa ông, là người thường xuyên tiếp xúc với các đối tác nước ngoài và tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại về nông sản, ông có thể cho biết nông sản Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ nông sản thế giới?
Thực ra nông sản đa số các nước trên thế giới làm trước hết là đảm bảo an ninh lương thực nội địa, sau đó mới tính đường XK. Việt Nam cũng vậy. Chỉ có một số ít các nước lấy nông sản làm mũi nhọn trong tăng trưởng GDP.
Ngay như Hà Lan, một cường quốc nông nghiệp, một đất nước có dân số ít, nông nghiệp cực kỳ phát triển với hàng loạt các mặt hàng thế mạnh, áp dụng công nghệ cao trong SX, nhưng nông nghiệp chỉ xếp thứ 9 trong thứ tự đóng góp cho GDP.
Nhưng xếp hạng về XK nông sản của thế giới, họ đứng thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Trong số 38 nước XK hàng đầu thế giới, Việt Nam đang đứng ở thứ 21. Nói như vậy để thấy rằng, thành tích về phát triển nông nghiệp của chúng ta cũng không tồi.
Mặt khác, một số mặt hàng chúng ta còn đang đứng đầu thế giới như hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, gạo… và nông nghiệp chúng ta, dù GDP còn thấp, nhưng nhiều năm nay cũng đã xuất siêu.
Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng chúng ta đang phát triển nông nghiệp đúng hướng, tái cơ cấu ngành nhưng theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Chúng ta giữ lại những cái đã có, chỉ thêm các biện pháp để đổi mới, thúc đẩy nó lên nhằm tối đa hóa giá trị, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển.
Người tiêu dùng nước ngoài đánh giá nông sản Việt Nam thế nào? Có cảm giác rằng thương hiệu nông sản Việt yếu, cạnh tranh kém do chất lượng hoặc vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thưa ông?
Thương hiệu thì thực ra, khi nói đến Việt Nam, người tiêu dùng thế giới họ đã biết đến nông sản của chúng ta từ lâu. Bởi thế nên ở trên tôi đã nói, chúng ta có nhiều loại nông sản XK thuộc “top” đầu của thế giới. Đó là thế mạnh của chúng ta.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, thôi giờ tái cơ cấu thì chúng ta không SX lúa gạo nữa hoặc SX ít đi, hãy làm cái gì đó tốt hơn, giá trị hơn.
Nhưng theo tôi, vẫn phải SX lúa gạo, duy trì và phát huy sản lượng và giá trị đã đạt được. Bởi nếu không SX lúa gạo, chúng ta sẽ thay thế bằng gì?
Và nông dân bao đời gắn bó với cây lúa không thể một sớm một chiều mà thay đổi thói quen và tập quán SX.
Ngoài ra, cũng phải nói thật là nhiều chính sách của chúng ta đôi khi cũng chưa chuẩn.
Một ví dụ là XK đồ gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp. Hiện đa số là các DN tự làm, tự tìm thị trường, Nhà nước đã hỗ trợ được bao nhiêu đâu.
Cho nên, đấy là điểm yếu của chúng ta. Đồ gỗ XK đến gần 7 tỷ USD/năm, đấy là thành tích lớn. Nhưng nhiều cơ quan quản lý đã không giúp được nhiều thì chớ, đôi khi lại gây khó khăn cho DN về thủ tục hành chính, thông tin, chính sách…
Bởi thế, ngoài hỗ trợ về chính sách, Nhà nước cũng nên thông thoáng hơn nữa về thông tin thị trường. Nên biết, các DN XK hiện nay đã SX nông sản theo tín hiệu của nhu cầu thế giới. Họ làm luôn luôn đảm bảo chất lượng, nếu không thì họ sẽ phá sản.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để chúng ta tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy cho XK nông sản ngày càng phát triển và nâng cao kim ngạch theo thời gian.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Chúng ta hẳn chưa quên những khó khăn trong đàm phán XK nông sản, ví dụ xoài, thanh long ruột đỏ sang Nhật, vải thiều sang Mỹ, Úc, rất mất thời gian và nhiều trắc trở, thưa ông?
Đúng như thế! Trước đây chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm đàm phán với đối tác nước ngoài. Bởi thế nên nhiều khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Tôi nói ví dụ như Cục A thì đưa ra 10 ưu đãi khi nông sản Việt Nam được XK, nhưng Vụ B lại chỉ đưa ra có 5 ưu đãi, kèm theo điều kiện này khác… Rõ ràng, chúng ta chưa có sự đoàn kết, thống nhất trước khi đàm phán với phía bạn.
Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, chúng tôi đã tham mưu với Bộ trưởng, trước khi đàm phán với đối tác, cần ngồi lại với nhau, tìm hiểu thông tin và thống nhất các điều kiện, làm thế nào để các điều kiện có lợi cho mình nhất, nông sản của mình dễ XK sang họ nhất.
Đấy là kinh nghiệm, là bài học đã được rút ra từ thực tiễn, tránh các bất lợi của hợp đồng này đối với các hợp đồng khác.
Việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục có các chuyến công du nước ngoài thời gian gần đây hẳn nhiên có tác dụng tích cực đến các hiệp định thương mại nông sản. Ông đánh giá thế nào?
Tháng 9 vừa qua là tháng của hợp tác quốc tế về nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT liên tục có các chuyến công du nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đàm phán các hợp đồng XNK nông sản.
Bộ trưởng vừa có chuyến đi Mỹ và đạt được rất nhiều kết quả cụ thể. Hai Bộ trưởng Việt Nam và Mỹ cũng gặp nhau và thỏa thuận được nhiều vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng nhất là XNK nông sản.
Kim ngạch XNK nông sản giữa ta và Mỹ tăng lên rất nhanh trong những năm vừa qua, đặc biệt hai Bộ trưởng thống nhất thúc đẩy thương mại, ngoài hoa quả như chôm chôm, vải, thì chúng ta còn đề nghị họ tiếp tục NK vú sữa, thanh long, xoài…
Ngoài ra, hợp tác về KHKT, đặc biệt là công nghệ sinh học, KHCN cũng được đề cập và thảo luận. Đây là tiền đề cho chúng ta tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng nông sản XK.
Một thỏa thuận về nông nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ đã ký trước đó và hết hạn từ năm 2008 cũng được 2 bên đồng ý soạn thảo lại theo chiều hướng cụ thể hơn, toàn diện hơn, lợi ích hơn và sớm ký kết trong thời gian tới.
Một trong những trọng tâm của đề án tái cơ cấu là thu hút mạnh mẽ đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, có vẻ như lĩnh vực này chúng ta đang rất yếu, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp, thưa ông?
Cũng đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhưng xem ra chưa hiệu quả, hoặc hiệu quả không cao. Bởi thế, trong số hàng trăm dự án FDI, mới chỉ có hơn 1% nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp.
Tôi có thể nói rằng, chính sách thu hút đầu tư hiện nay hầu như không phân biệt DN trong nước và DN FDI. Có chăng chỉ ưu đãi thêm DN FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, hoặc lĩnh vực đầu tư cần nguồn vốn lớn.
Do vậy, trong cuộc hội thảo rà soát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chính sách nông nghiệp của Việt Nam mới đây, chính tôi cũng nêu ra với các DN, các nhà đầu tư nước ngoài rằng, chúng tôi không cần các bạn khen, chỉ cần các bạn nói đúng thực trạng, những khó khăn trong đầu tư và thực hiện dự án tại Việt Nam để Bộ NN-PTNT có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Tất nhiên, chúng ta cũng phải làm thế nào để hài hòa giữa khuyến khích đầu tư trong nước và ưu đãi FDI, không để DN FDI đòi hỏi quá đáng những ưu đãi quá mức.
Xin cảm ơn ông!
Chưa làm được cái mới, không nên phá bỏ cái cũ
Như Hàn Quốc, chúng ta phát triển không khác gì họ. Khẩu hiệu của họ là “Muốn đất nước phát triển, trước hết nông nghiệp phải phát triển”. Thực tế là họ đi lên từ nông nghiệp, và khi muốn phát triển lên mà chưa có đủ nguồn lực thì đừng phá đi cái cũ, vì nó là nguồn gốc của sự phát triển. Hay như Hungary, Bulgari hồi mới gia nhập Liên minh châu Âu, họ xóa bỏ hết các HTX, tổ hợp tác. Người dân thì khốn khó, ngồi chờ trợ cấp từ các nước trong liên minh. Khi chúng tôi sang, họ khuyên chúng tôi một điều, nếu Việt Nam có muốn tiến xa hơn, định làm cái gì đó mới hơn, thì nếu chưa làm được cái mới, đừng phá cái cũ. Đấy là bài học xương máu của họ. (Ông Trần Kim Long) |