Việc liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cam là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chú trọng sản xuất thâm canh
Trong 2 ngày 8 – 9/12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, với chuyên đề “Sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung bộ”.
Hội thảo có sự giam gia của các nhà khoa học, chuyên gia về chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan chuyên môn và nông dân sản xuất cam điển hình của 5 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Sau khi tham quan một số mô hình sản xuất cam giỏi tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), hầu hết đại biểu cho rằng, tiềm năng, lợi thế phát triển cây cam ở khu vực Bắc Trung bộ là rất lớn. Ngoài quỹ đất bán sơn địa dồi dào, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng cũng rất thích hợp cho cây cam sinh trưởng, phát triển.
“Khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển cây cam nhanh chóng mặt. Điều này tác động 2 mặt rõ nét, vừa khơi dậy tiềm năng, khát vọng vươn lên làm kinh tế của nông dân các huyện bán sơn địa như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà vừa minh chứng chính sách của tỉnh, huyện đủ mạnh, góp phần giúp bà con tháo gõ khó khăn về giống, quy trình canh tác, hướng đến sản xuất an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững chúng ta đừng phá quy hoạch, đừng phá chỉ dẫn địa lý”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh chia sẻ.
Theo vị Phó giám đốc, giai đoạn 1998 – 2002 diện tích cam của Hà Tĩnh rất ít, thậm chí cây cam bù gần như bị xóa sổ do bệnh vàng lá Greening. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 tổng diện tích cam toàn tỉnh đạt hơn 6.000 ha (tăng hơn 3.500 ha so với năm 2010); diện tích cho thu hoạch khoảng 4.000 ha; sản lượng đạt gần 45.000 tấn. Sản phẩm phát triển mạnh nhất là cây cam chanh.
“Hiện Hà Tĩnh đang chú trọng chuyển từ sản xuất quảng canh, nông hộ sang thâm canh quy mô trang trại, gia trại. Theo kế hoạch đến hết năm nay sẽ có khoảng 200 cơ sở sản xuất cam trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, nhiều sản phẩm nằm trong nhóm đạt chuẩn OCOP của tỉnh”, ông Thanh nói. Đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay giá cam đang cao nên một số giải pháp kỹ thuật như tỉa quả hầu như bà con không thực hiện. Điều này dẫn đến tuổi thọ cây cam và chất lượng quả sụt giảm.
Trong 3 năm 2017 – 2019, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thực hiện dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuối giá trị tại các tỉnh miền Trung”.
Sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học cùng với những chính sách hỗ trợ về làm đường, kéo lưới điện, khoan giếng, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm… đã góp phần xây dựng thêm được 35 mô hình sản xuất cam, bưởi thâm canh áp dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tại 5 tỉnh. Trong đó, có 6 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện tổng diện tích cây ăn quả có múi 6 tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Huế) xấp xỉ 30.000 ha. Riêng diện tích cam vào khoảng 14.700 ha, chiếm 15% diện tích trồng cam cả nước.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng, các tỉnh Bắc Trung bộ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh. Nhờ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Đặc biệt, những năm gần đây phong trào sản xuất theo hướng VietGAP nở rộ ở các vùng trồng cam lớn như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nông dân cũng hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây có múi, dùng bẫy bả sinh học, sử dụng bao trái, mắc màn cho cam; hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục quả, đảm bảo ATVSTP.
Liên kết là xu thế tất yếu
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phân tích, hiện nay sản xuất cây có múi tại các tỉnh Bắc Trung bộ đang gặp một số khó khăn như việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét; các hợp tác xã kiểu mới thành lập chưa nhiều dẫn đến thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa, do đó giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích chưa cao.
“Xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực tế, việc liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Vì vậy, các địa phương cần phát huy, nhân rộng hình thức liên kết chuỗi này”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khởi phát từ việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Qua thời gian, sự phát triển mãnh mẽ của phong trào trồng cam trên địa bàn tỉnh thôi thúc doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích vùng nguyên liệu thời điểm này đạt gần 300 ha.
Theo ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc doanh nghiệp, trong những năm gần đây, ngoài việc cải thiện chất lượng giống cam, đơn vị lựa chọn, ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng đầu vào như cây giống, phân bón, bao quả… và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5 – 15% tùy vào chất lượng sản phẩm. Người dân đảm nhận khâu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.
“Hiện 160/300 liên kết đã cho thu hoạch; sản lượng tiêu thụ từ đầu vụ đến nay đạt hơn 800 tấn. Toàn bộ sản phẩm sau khi thu mua được bảo quản, chế biến, phân phối đến siêu thị Vinmart, chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp đặt tại Hà Nội, Nghệ An…”, ông Dũng nói.
Dự kiến năm 2021, sản lượng cây ăn quả có múi doanh nghiệp Tân Thanh Phong liên kết, tiêu thụ cho nông dân khoảng 2.100 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chú trong phát triển sản phẩm theo hướng truy xuất nguồn gốc thông qua dán tem, nhãn; mở rộng diện tích sản xuất VietGAP.