OCOP (Mỗi xã, phường một sản phầm – One commune one product) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình OCOP được khởi phát đầu tiên từ tỉnh Oita (Nhật Bản) từ năm 1979 sau đó lan rộng trên nhiều Quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện đồng bộ chương trình OCOP. Tại Quảng Ninh triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm bắt đầu từ năm 2013, đến cuối năm 2016 tiến hành tổng kết đánh giá hiệu quả của Đề án OCOP giai đoạn 2013- 2016, Chương trình đã tạo ra 198 sản phẩm có chất lượng cao phục vụ du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình rút ra được nhiều điểm đáng chú ý và tiến bộ, không chỉ giúp thay đổi nhận thức của người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nội sinh của tỉnh, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.
Với những hiệu quả to lớn mà chương trình mang lại, OCOP đang được triển khai rộng rãi trên nhiều địa phương trên cả nước và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một ví dụ. Thượng Lộc là một xã miền núi có diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó diện tích đồi núi chiếm gần ½, diện tích đồi núi của xã phù hợp với phát triển cây ăn quả đặc biệt là cây cam quýt. Tổng diện tích cam hiện tại xã Thượng Lộc là 220 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 150ha. Năng suất cam đạt trung bình 11-14 tấn/ha. Sản lượng đạt 15-16 nghìn tấn/năm. Tại xã có 350 hộ trồng cam, cam Thượng Lộc hiện đang được đánh giá là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Cam Thượng Lộc có lợi thế về chất lượng vị ngọt thanh, mát, hình thức mẫu mã đẹp, vỏ quả mỏng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy vậy, trồng cam tại xã Thượng Lộc gặp một số khó khăn như: sản xuất nhỏ lẻ, năng suất chất lượng không đồng đều; Chưa có hệ thống phân phối bền vững, hiệu quả, mối liên kết ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi giữa các tác nhân còn yếu; Thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm làm ra tốt, tuy nhiên việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết còn yếu, vì vậy thương hiệu sản phẩm vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến; Chưa có tổ chức nông dân thực thụ để tổ chức sử dụng và quản lý khai thác có hiệu quả sản phẩm.
Do đó, việc phát triển sản phẩm cam Thượng Lộc theo hướng OCOP là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên.
Thực hiện dự án “xây dựng mô hình sản xuất mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ”, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã triển khai mô hình kỹ thuật áp dụng các công nghệ tiên tiến (công nghệ tưới nhỏ giọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgap, túi bao quả…) với diện tích 5 ha tại 3 hộ dân thuộc xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bước đầu kết quả thực hiện các mô hình cho thấy nâng cao được năng suất chất lượng, độ đồng đều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn OCOP đạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao.
Ma Hải Nam – Nhóm biên tập CAETDAE