Công nghệ giống siêu tốc nảy mầm sẵn, cấy lúa không cày bừa, bả ốc hữu cơ là những thứ khiến tôi mồng 4 Tết đã xuất hành về Nam Định với Lương Văn Trường.
Nông dân đầu tiên được chuyển giao công nghệ
Trụ sở HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) mồng 4 Tết nắng vàng rực rỡ trùm lên lớp ngói rêu phong. Bà Nguyễn Thị Lan móc từ trong bao tải ra một nắm thóc giống rồi thả vào cái cốc thủy tinh, chế thêm ít nước lạnh. Chừng 30 phút sau thóc giống ở trong cốc ngấm đủ nước bắt đầu nảy ra những cái mầm trắng nhỏ tí xíu.
Thấy tôi ồ lên, bà giải thích: “Nhà tôi có hơn 3 mẫu ruộng, mọi năm, ngâm giống rồi gặp nước to hay rét hại mà không gieo vãi được phải vứt đi, đến khi hết lại ngâm thóc thịt làm giống, tốn kém mà lo đến mất ăn mất ngủ. Vụ này có công nghệ cho thóc ngủ thì người cũng được ngủ theo, không phải suy nghĩ nữa”. Theo bà, việc ngâm ủ vẫn như bình thường, chỉ đến lúc thóc nảy mầm, nứt nanh thì mới gọi điện cho tác giả của công nghệ, được chỉ cách hòa hoạt chất, đảo đều rồi đem phơi. Chỉ một lần là thành công ngay.
Anh Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương có địa chỉ ở xã Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) – tác giả của công nghệ độc đáo trên cười, bảo: “Đây là người đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất giống nảy mầm siêu tốc vì em vẫn chưa xong bản quyền dù gửi đăng ký sáng chế lên Cục Sở hữu Trí tuệ đã 2 năm. Ông Giám đốc HTX ở đây quá nhiệt tình, gọi đến 20 cuộc điện thoại sau khi biết mô hình ở xã Minh Tân nên em muốn chuyển giao công nghệ để nông dân nhanh chóng tiếp cận, giảm được rủi ro trong sản xuất.
Thực tế trong suốt 6 năm triển khai trên đồng của HTX em đã chứng minh hiệu quả của công nghệ này. Bình thường khâu ngâm ủ phải mất 6 ngày mới ra được ruộng mạ nhưng nay chỉ cần 4 ngày và cái quan trọng là chủ động được lúc nào muốn giống “thức dậy” thì ngâm vào nước, đem ra đồng gieo là bén rễ.
Nhược điểm của công nghệ này là mạ phát triển chậm hơn vài tiếng so với mạ nảy mầm theo phương pháp thông thường nhưng sau khi hồi phục thì cây to hơn 10-20%, cứng hơn, chống đổ tốt hơn, năng suất cao hơn chừng 4 %. Theo phỏng đoán của em là do hạt giống bị stress khi ngủ đông rồi bị kích thích về trạng thái mầm bình thường, tự bản thân sẽ tìm cách kháng lại, bộc phát một số yếu tố trong gen. Cũng tương tự như trong tự nhiên, nếu mùa vụ nào có rét đậm, rét hại lúa sẽ cho năng suất cao hơn”.
Nếu như trên thế giới có ba cách thức xử lý hạt giống gồm ngâm ủ, gieo hạt khô hay mồi (ngâm ủ nhanh) thì công nghệ của Trường là cách thứ tư, lần đầu tiên xuất hiện. Quy trình đó có thể tóm tắt như sau: C ho hạt giống nảy mầm sau đó sấy khô trong điều kiện phù hợp để về trạng thái ngủ đông, đóng gói và bảo quản trong điều kiện thông thường (bảo quản từ 6 – 12 tháng mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của hạt giống). Khi sử dụng, người dùng chỉ việc mang hạt giống ra gieo luôn mà không cần ngâm ủ từ đầu.
Do hạt giống đã được nảy mầm và ngủ trong trạng thái ngủ đông nên khi gặp điều kiện thuận lợi, mầm hạt lập tức phát triển thành cây bình thường. Điều này giúp người sử dụng không mất thời gian ngâm ủ (tiết kiệm thời gian từ 3 – 5 ngày so với thông thường). Công nghệ còn ứng dụng được cho hạt giống gần hết hạn sử dụng hoặc quá hạn sử dụng nhưng vẫn còn nảy mầm được, giúp tiết kiệm chi phí xử lý hàng tồn kho đồng thời nâng cao giá trị. Tỷ lệ hồi sinh của hạt lúa giống nảy mầm sẵn:
Thời gian | 3 tháng | 6 tháng | 9 tháng | 12 tháng |
Tỷ lệ | 100% | 95% | 85% | 75% |
Với chi phí sản xuất tập trung quy mô lớn khá thấp (chỉ khoảng từ 380 – 500 đồng/1kg) việc chuyển đổi sang hạt giống nảy mầm sẵn sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nhiều hơn. Tổng cộng trong 4 năm từ 2019-2022 đã có 145 ha lúa sử dụng kỹ thuật giống siêu tốc nảy mầm sẵn. Kỹ thuật này có tiềm năng lớn để ứng dụng cả trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam với diện tích gieo trồng khoảng 7 triệu ha lúa, lượng giống cần sử dụng khoảng 700.000 tấn mỗi năm. Thế giới trồng khoảng 160 triệu ha (FAO), sử dụng khoảng 16 triệu tấn hạt giống mỗi năm. Chưa tính các hạt cây trồng khác, như lúa mì, cao lương, đại mạch, kê…
Điều kiện cần và đủ
Điều kiện cần và đủ để cho công nghệ này ra đại trà là gì? Tôi hỏi Trường. Anh trả lời, vì là công nghệ mới nên cần có tiêu chuẩn để chuẩn hóa như tỷ lệ nảy mầm bao nhiêu, tốc độ sinh trưởng thế nào…mới được phép lưu thông trên thị trường. Hiện tại anh đang làm việc với Cục Trồng trọt để hoàn thiện hồ sơ thủ tục công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường vốn là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiển Khánh kể, trước đây địa phương có CLB trang trại nhưng sau đó không đáp ứng được nguyện vọng của các thành viên. Năm 2014 ông về hưu, được xã, huyện động viên thành lập HTX thấy khó bởi nhiều người dân cho rằng xu hướng kinh tế tập thể đang tan rã. Hôm Hội Cựu chiến binh tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội nghị về luật HTX mới, ông được khuyến khích nên đã thành lập HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường với 21 thành viên, chủ yếu là các chủ trang trại, hoạt động song song HTX toàn xã của Hiển Khánh với 1.800 thành viên.
HTX trực tiếp làm những dịch vụ tới hộ như phân bón, thuốc BVTV, giống rồi thu mua sản phẩm, đưa những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời thu gom rác. Giờ HTX đã lên tới 62 thành viên với 120 mẫu ruộng và Hội đồng quản trị có 5 thành viên. Lương của Giám đốc và 3 người khác trong Hội đồng có 1 triệu/tháng, chỉ duy có kế toán được 2 triệu:
“Thực chất đó là khoản trợ cấp xăng xe để đi lại chứ còn nếu lấy lương thì không thể làm việc được. Bản chất của HTX không phải là kinh doanh vì lợi nhuận mà vì lợi ích của các thành viên. Miếng bánh có bằng thế này thôi mà nếu mình lấy to thì bên kia, lợi ích của các thành viên phải bé lại. Doanh thu của chúng tôi mỗi năm 2,1-2,2 tỉ nhưng lợi nhuận chỉ 70-80 triệu là vì thế”, ông Sơn giải thích.
Hội đồng quản trị dù chủ yếu là trung tuổi và già nhưng nhiệt huyết luôn ngùn ngùn trước những cái mới, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi. Hôm xem trên mạng thấy mô hình không cày bừa và giống nảy mầm siêu tốc ở xã Minh Tân ông liền gọi điện cho anh Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định lúc đó và được động viên, HTX mình có thể làm được. Tuy Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng chưa có kết luận về hiệu quả của các công nghệ mới này nên không chỉ đạo nhưng HTX vẫn quyết định áp dụng.
“Đã gọi là đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thì phải chấp nhận rủi ro vì thành công và thất bại có thể 50/50, chứ chắc 100% thì đã không còn tính mới nữa. Nếu công nghệ không cày bừa giảm một nửa công làm đất, giảm thời gian, giảm 10-15% lượng phân bón, loại bỏ được lúa ma thì tốt quá rồi còn gì? Lúa ma hiện nhiễm 2-10% tùy chỗ, nông dân không biết lối nào mà nhổ, khi xát những hạt của nó lẫn vào có màu đỏ, ăn khô và đắng”…
Nói rồi ông xăm xới dẫn tôi ra cánh đồng Trằm nơi có gần 4 mẫu ruộng vụ đầu không cày bừa, chỉ lồng rồi gieo vãi. Chị Nguyễn Thị Mận cho biết mình có 1,6 mẫu ruộng vốn có nhiều cỏ lồng vực xanh rất khó khăn trong việc xử lý, phải phun 3-4 lượt thuốc trừ cỏ hóa học rất độc, tốn khoảng 300-400.000 đồng/sào. Cạnh đó, nhà chị Nhu có 2,2 mẫu ruộng cho hay khi vãi được 2 ngày thì gặp rét hại, tưởng chết mộng nhưng mạ vẫn lên đều, nếu thành công vụ sau sẽ áp dụng tiếp công nghệ giống nảy mầm siêu tốc.
“Ruộng của tôi cỏ lồng vực cao tới 40-50 cm nên trước phải cày úp lên rồi mới lồng, khi được phổ biến không cần cày mà chỉ có lồng, bà con xì xào cũng lo lắng lắm nhưng giờ không thấy cỏ phát triển mới yên tâm. Cỏ lồng vực xanh không biết từ đâu xuất hiện ở địa phương tôi 4-5 năm nay và phát sinh tại đây đầu tiên. Lúc mới lên chúng xanh mướt như lúa, nếu không tinh không thể biết được. Bởi thế, năm đầu tiên toàn cỏ chứ không thấy lúa đâu, thất thu. Năm thứ hai chúng tôi phát hiện ra mới phun, mới nhặt nhưng rất khó trị, phải phun thuốc liên tục, nhặt liên tục”.
Rời Hiển Khánh, chúng tôi sang xã Minh Tân, huyện Vụ Bản-nơi đầu tiên trong tỉnh Nam Định áp dụng công nghệ không cày bừa và giống siêu tốc nảy mầm sẵn. “Vụ rồi gần 4 mẫu ruộng của chị Mận và tôi phải bỏ không vì cấy quá tốn kém, đến 1,5 triệu/sào. Nay hi vọng với công nghệ không cày bừa này sẽ loại bỏ được cỏ lồng vực xanh, giảm được chi phí”, chị Nhu cho hay.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam