Theo ghi nhận của báo chí, ngay từ khi Techmart 2015 chưa khai mạc, những sáng chế của nông dân đã thu hút được rất đông người quan tâm.
Tối ngày 1/10, chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) đã chính thức khai mạc. Điểm nổi trội nhất của Techmart 2015 là có sự góp mặt của 57 nhà sáng chế “chân đất”, tức những nông dân, với những sáng chế của mình.
Theo ghi nhận của báo chí, ngay từ khi chưa khai mạc, những sáng chế của nông dân đã thu hút được rất đông người quan tâm.
Đó là chiếc máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), chiếc máy không dùng động cơ, thân thiện với môi trường. Máy nặng 26 kg, nhưng người điều khiển chỉ cảm thấy như mình kéo một vật nặng 3 kg.
Máy do một người điều khiển, vừa kéo, vừa lái, vừa điều khiển dàn cấy. 1 giây máy cấy được 4 khóm lúa, trong 1 giờ, máy cấy được 1 sào Bắc bộ, trong khi một người cấy khỏe, 1 ngày mới cấy xong 1 sào.
Đó là chiếc máy cày “8 trong 1”, nghĩa là 1 chiếc máy cày nhưng có thể làm được 8 chức năng khác nhau trong sản xuất nông nghiệp, của anh Tạ Đình Huy ở Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Nhưng nổi bật nhất ở khu trưng bày là hai chiếc máy cuốn rơm và máy thu hoạch bắp – lúa liên hợp của anh Phan Tấn ở tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra, còn rất nhiều sáng chế khác, đặc biệt hữu dụng cho những công việc của nhà nông trong việc tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.
Ưu điểm lớn nhất của những máy móc, thiết bị này là ở chỗ: Chủ nhân của chúng là nông dân hoặc những người sống gần nông dân nhất. Họ hiểu rất sâu về từng khâu trong canh tác, thu hoạch hay chế biến, và hiểu rất sâu về nhu cầu của nông dân. Nên những máy móc, thiết bị do họ sáng chế ra đều rất thiết thực, rất phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân, với giá thành rẻ, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí lớn nhất.
Nhưng nhược điểm là do thiếu vốn, nên những thiết bị, máy móc trên đều được chế tạo bằng những vật liệu rẻ tiền, như động cơ của một số máy móc thường là động cơ của một chiếc xe máy Trung Quốc cũ, máy công tác thường làm bằng những thanh sắt, thanh thép có chất lượng không cao.
Sản xuất lại đơn chiếc hoặc được bán ra ngoài với số lượng rất hạn chế, chỉ khi có người đặt hàng mới làm, không có điều kiện quảng bá sản phẩm, do vậy hiệu quả cũng bị hạn chế.
Nay nếu bản quyền sáng chế được bán. Sản phẩm do những doanh nghiệp có đủ tiềm lực kinh tế mua bản quyền rồi sản xuất hàng loạt bằng động cơ chuẩn, vật liệu chuẩn, thì hiệu quả của chúng chắc chắn sẽ còn được nâng cao hơn nhiều.
Khi đó nông dân cả nước sẽ có điều kiện sở hữu những sản phẩm mang lại lợi ích rất lớn cho mình trong canh tác, thu hoạch hay chế biến.
Việc mời đông đảo những nhà sáng chế nông dân mang sản phẩm của mình đến hội chợ, và sau đó mở một hội thảo nhằm tìm hướng thương mại hóa những sản phẩm của họ, là một sự ghi nhận của Bộ KH- CN đối với những cống hiến của họ đối với nền Khoa học và Công nghệ nước nhà.
Hơn thế nữa còn tạo ra một “sân chơi” bình đẳng: Bất cứ ai, dù là nông dân, kỹ sư hay nhà khoa học, khi có những sáng chế mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, thì đều được khuyến khích.
Báo Nông Nghiệp