Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Một 2024

Kết quả khảo nghiệm các giống lúa Japonica tại Hà Nội

Để xây dựng và phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì công tác đánh giá, lựa chọn giống rất quan trọng…

Nó gần như đóng một vai trò quyết định đến hiệu quả của việc canh tác lúa. Trong xu thế ăn ngon, mặc đẹp hiện nay thì giống lúa Nhật Japonica đang được người tiêu dùng ở các thành phố lớn đón nhận bởi cả hình thức (hạt tròn) lẫn chất lượng (cơm dẻo, mùi thơm, vị đậm, nhiều chất dinh dưỡng). Tuy nhiên trên thị trường hiện tại lại có rất nhiều giống lúa Japonica khiến cho người nông dân phải phân vân, không biết lựa chọn thế nào.

Ngay từ khi triển khai kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện công tác khảo nghiệm bổ sung các giống. Mục tiêu của việc làm này nhằm xác định được những giống loại Japonica mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, phù hợp vùng sinh thái và tập quán canh tác của các huyện ngoại thành Hà Nội để bổ sung vào cơ cấu giống lúa trên địa bàn thành phố. Nó là tiền đề để các địa phương ra quyết sách và là kênh thông tin để người nông dân chọn lựa.

Trong 2 năm (2019 – 2020), Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành khảo nghiệm 5 giống lúa Japonica gồm: VAAS 16, ĐS1, J01, J02 và Lộc trời 64. Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống lúa (Quy chuẩn Việt Nam 01- 55:2011/BNN&PTNT của Bộ NN-PTNT).

Kết quả theo dõi, đánh giá về sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng của các giống khảo nghiệm như sau:

1. Giống ĐS1: Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 140 – 142 ngày, vụ Mùa 115 – 118 ngày; cao cây 98 – 105 cm; chống chịu sâu bệnh khá; cứng cây, kiểu hình thân lá đẹp (bản lá trung bình, lá đứng, lòng mo, xanh đậm); đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất đạt từ 60 – 62 tạ/ha.

2.Giống lúa J01: Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 132 – 135 ngày, vụ Mùa 107 – 110 ngày; cao cây 93 – 95cm; cứng cây, chống chịu sâu bệnh khá; có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá trung bình, lá đứng, lòng mo, xanh đậm), đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất đạt từ 60 – 65 tạ/ha, thích hợp sản xuất cả vụ Xuân và vụ Mùa.

3. Giống lúa VAAS 16: Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 132 – 135 ngày vụ Mùa 107 – 110 ngày; cao cây 93 – 95cm; cứng cây, chống chịu sâu bệnh khá; có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá trung bình, lá đứng, lòng mo, xanh đậm), đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất đạt từ 62 – 65 tạ/ha, thích hợp sản xuất cả vụ Xuân và vụ Mùa.

4. Giống J02: Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 135 – 140 ngày, vụ Mùa 110 – 115 ngày; cao cây 96 – 102 cm; chống chịu sâu bệnh khá; cứng cây, kiểu hình thân lá đẹp (bản lá trung bình, lá đứng, lòng mo, xanh đậm); đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất đạt từ 60 – 62 tạ/ha

5. Giống Lộc trời 64: Thời gian sinh trưởng 140 – 142 ngày (vụ xuân);112 – 115 ngày (vụ Mùa); cao cây 100 – 105 cm; chống chịu sâu bệnh khá; cứng cây, có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá trung bình, lá đứng, lòng mo, xanh đậm), đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất đạt từ 62– 65 tạ/ha.

Kết quả phân tích, đánh giá chất lượng gạo các giống lúa Japonica vụ Mùa năm 2020 như sau: Cả 5 giống có kích thước, tỷ lệ gạo lật, tỷ lệ gạo xát, tỷ lệ gạo nguyên, độ trắng bạc, protein khá tương đồng nhau, chỉ có hàm lượng  amylose và tỷ lệ trắng trong là khác biệt.

Cụ thể, Amylose thấp nhất thuộc về J02 với 15,8% sau đó là J01, ĐS1, Vaas 16 và Lộc trời 64; Tỷ lệ trắng trong thấp nhất là VAAS 16, J01, DDS1, J02, Lộc Trời 64.

Bảng phân tích chất lượng các giống lúa. Ảnh: Tư liệu.

Việc sản xuất lúa chất lượng cao nói chung và giống Japonica nói riêng cũng như mọi tiến bộ kỹ thuật mới khác khi đưa vào ứng dụng ban đầu sẽ có những vất vả, bỡ ngỡ nên đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các cơ quan chuyên môn và còn cả chính quyền các cấp. Đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực cán bộ, nhận thức của người dân Thủ đô về phát triển nông nghiệp an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng thông qua việc giảm thiểu lạm dụng phân bón hóa học và hóa chất độc hại; Bảo tồn nguồn thiên địch để cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; Bảo vệ các tài nguyên đất, nước ngầm, nước mặt, không khí, môi trường một cách bền vững.

Theo thống kê năm 2020, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 26 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng cao tại 6 huyện với tổng diện tích đạt 1.776 ha trong đó 160 ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ, 300 ha lúa canh tác theo chuẩn Việt Nam, 1.316 ha canh tác an toàn. Tổng thu bình quân của lúa Japonica đạt 60 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sẽ cho lãi đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15 triệu đồng/ha so với giống lúa đang phổ biến trong dân là Bắc Thơm số 7.

Đến nay thành phố đã chọn được bộ giống lúa Japonica chính gồm J02, J01, VAAS 16, ĐS1 đưa vào sản xuất tại các vùng chuyên canh. Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, với mục tiêu hướng tới xuất khẩu gạo, thành phố phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng đạt trên 80% diện tích gieo cấy, phát triển được 80 – 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, trước tiên phục vụ cho nhu cầu nội tiêu và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Để thúc đẩy mục tiêu trên, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản cũng như đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội. 

Nguồn: PV, Báo Nông nghiệp Việt Nam

https://nongnghiep.vn/ket-qua-khao-nghiem-cac-giong-lua-japonica-tai-ha-noi-d278621.html

Check Also

Tọa đàm quốc tế: 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Venezuela (18/12/1989-18/12/2024): Thực trạng và triển vọng

Sáng ngày 29/8/2024, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên …