Thực hiện Hợp đồng Đề tài Khoa học và công nghệ số 1166/ĐTLA.05/21 ngày 10/11/2021 giữa Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Sau đây gọi là Trung tâm) với Sở Khoa học và công nghệ Lai Châu về việc thực hiện đề tài “Phục tráng và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hai giống lúa Khẩu Lương Phửng tại huyện Phong Thổ và nếp Tan Pỏm tại huyện Than Uyên” thực hiện giai đoạn 2021 – 2024;
Ngày 3 – 4/11/2022, Trung tâm phối hợp UBND 2 huyện Phong Thổ và Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo lựa chọn logo và hoàn thiện quy chế sử dụng nhãn hiệu cho 2 sản phẩm gạo nếp Khẩu Lương Phửng tại huyện Phong Thổ và gạo nếp Tan Pỏm tại huyện Than Uyên nhằm mục tiêu phục tráng và xây dựng nhãn hiệu hai giống lúa đặc sản địa phương, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích tại các địa phương.
Tham gia Hội thảo có ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, chủ nhiệm dự án; Lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu: ông Nguyễn Trường An – Phó Giám đốc Sở; Ông Vũ Văn Trung – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Phong Thổ; Ông Nguyễn Văn Thăng – Uỷ viên ban thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Lãnh đạo các Phòng/Ban của huyện Phong Thổ và Than Uyên: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế và Hạ Tầng; Phòng Tư pháp; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp; Lãnh đạo UBND xã Bản Lang; Lãnh đạo UBND xã Tà Hừa; Đại diện các hộ trồng lúa Khẩu Lương Phửng và nếp Tan Pỏm; Các đại biểu đại diện Sở, Ban ngành của tỉnh Lai Châu.
Theo Ông Nguyễn Trường An, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu: Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho hai sản phẩm gạo nếp Khẩu Lương Phửng và gạo nếp Tan Pỏm là hết sức cần thiết, giúp sản phẩm đặc sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường. Vì vậy việc lựa chọn logo và hoàn thiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần được thực hiện theo đúng quy định trên tinh thần dân chủ, khách quan, tiếp thu và tổng hợp các ý kiến của các đơn vị quản lý nhãn hiệu cũng như các đơn vị sử dụng nhãn hiệu. Từ đó đưa ra phương án lựa chọn logo và ban hành quy chế phù hợp nhất và được sự đồng thuận cao của địa phương.
Hội thảo diễn ra sôi nổi và nhận được rất nhiều các ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các đơn vị quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm gạo nếp Khẩu Lương Phửng và gạo nếp Tan Pỏm. Kết thúc hội thảo, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và đã đi đến thống nhất về các vấn đề chính: “Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận”, vùng bảo hộ nhãn hiệu và mẫu logo của 2 sản phẩm gạo nếp Khẩu Lương Phửng và gạo nếp Tan Pỏm và được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự của 2 huyện Phong Thổ và Than Uyên.
Nhóm biên tập Cetdae