Nhờ đưa giống đậu xanh ĐX 208 vào gieo và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên năng suất cao, bán được giá, bà con rất phấn khởi.
Chúng tôi theo chân đoàn công tác của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện KHNN Việt Nam) về xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn để tham quan, đánh giá mô hình phát triển sản xuất đậu xanh hàng hóa trên vùng đất khô hạn của tỉnh Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Thủy, trú tại xóm 3, xã Nam Thượng, hộ trực tiếp tham gia mô hình với 1.500 m2 đang tranh thủ thu hái lứa đậu thứ 2 nói với chúng tôi: Hái đợt một được 70 kg rồi bác ạ.
Đợt này trái đậu chín gấp đôi đợt 1 nên chắc chắn sẽ có thêm từ 140 đến 150 kg nữa. Cây đang ra hoa tiếp vài lứa nên năng suất 90 đến 100 kg/sào là không thành vấn đề, chỉ tiếc là giá hiện mới 26.000 đồng/kg nên chưa ai bán.
Ông Nguyễn Thúc Pháo, Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho hay: Năm 2014, Trung tâm Tài nguyên thực vật phối hợp với chúng tôi làm 10 ha mô hình này. Nhờ đưa giống đậu xanh ĐX 208 vào gieo và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên năng suất cao, bán được giá, bà con rất phấn khởi.
Năm nay, Trung tâm lại tiếp tục triển khai làm tiếp 10 ha, với 80 hộ dân tham gia, dùng giống đậu xanh địa phương làm đối chứng. Đến thời điểm này, có thể khẳng định là cả 10 ha đậu xanh ĐX 208 sẽ tiếp tục bội thu. Năng suất dự kiến bình quân từ 1,6 đến 1,8 tấn/ha.
Nam Thượng hiện có 200 ha đất khô hạn, gieo trồng cây gì cũng phải chờ nước trời, nếu áp dụng được mô hình này ra toàn bộ diện tích nói trên thì chỉ sau 3 tháng đã có thể thu về trên dưới 8 tỷ đồng/vụ – ông Pháo khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Giáp, cán bộ nông nghiệp xã Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) nói với chúng tôi: Hai năm nay, Trung tâm Tài nguyên thực vật cũng đang làm mô hình SX đậu xanh ĐX 208 tại vùng bãi bồi ven sông Lam của xã Nam Lộc và đều cho năng suất cao.
Năm ngoái, tại Nam Lộc thu hoạch đạt năng suất từ 90 đến 100kg/sào, cá biệt có 2 hộ đạt năng suất 120kg/sào. Năm nay toàn bộ diện tích đậu xanh trên mô hình đã hái xong 2 đợt. Hiện cây đậu vẫn đang ra hoa, đậu quả.
Ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Đàn cho biết: Nam Đàn hiện có 1.400 ha đất màu, đất bãi ven sông đều phụ thuộc vào nước trời. Đậu xanh là một loại cây truyền thống của địa phương trong vụ hè – thu. Thế nhưng do đang sử dụng các giống cũ, năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế vẫn còn hạn chế.
Việc Trung tâm Tài nguyên thực vật đưa giống đậu xanh ĐX 208 và các tiến bộ kỹ thuật về làm mô hình tại một số địa phương ở Nam Đàn chúng tôi rất ủng hộ. Chúng tôi hy vọng, nếu Nam Đàn phủ kín được diện tích 1.000 ha đậu xanh thì nguồn thu về cho bà con nông dân tại các địa phương là vô cùng lớn.