Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Một 2024

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Đưa “báu vật” của người Thái vươn xa

Nếp Tan Pỏm là giống lúa đặc sản, được xem là “báu vật” của đồng bào người Thái ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Đây là giống lúa có lịch sử từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ người Thái giống lúa này vẫn đang được đồng bào nơi đây canh tác, bảo tồn.

Nếp Tan Pỏm – “báu vật” của người Thái ở Tà Hừa

Vụ này bà con canh tác lúa thế nào? Có bị sâu bệnh hại không? Sản lượng vụ này ra sao?… Đó là những lời hỏi thăm về vụ canh tác lúa nếp Tan Pỏm của ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khi gặp các hộ nông dân ở xã Tà Hừa.

Đứng ở đầu bờ ruộng, anh Tòng Văn Hom, xã Tà Hừa nói: Nếp Tan Pỏm là giống lúa đặc sản, “báu vật” của đồng bào người Thái chúng tôi từ bao đời nay. Từ đời ông, bố rồi đến đời tôi và các con tôi đều lớn lên, gắn bó với giống lúa này.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiểm tra mô hình sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Bình Minh

Trong ngày Tết hay những ngày lễ quan trọng của đồng bào người Thái thì cơm nếp, cốm, bánh trưng được nấu từ giống lúa nếp Tan Pỏm là không thể thiếu. Nếp Tan Pỏm như minh chứng sống cho sự ấm no của mỗi gia đình ở Tà Hừa.

Nếp Tan Pỏm được chia thành hai loại là Tan đỏ và Tan trắng, nhưng chúng đều có một đặc trưng không thể lẫn với giống lúa nào khác, đó là hạt tròn, màu trắng ngà, mẩy đều, cho chất cơm dẻo, rất thơm, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng.

Anh Hom nói với tôi rằng, giống lúa nếp Tan Pỏm chỉ trồng trên nương của xã Tà Hừa là tốt nhất và ngon nhất. Đã nhiều nơi đưa giống về trồng thử nhưng cũng không thể so sánh được so với được trồng ở Tà Hừa. Hễ cữ đến mùa thu hoạch lúa, thương lái từ các vùng Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, thậm chí Hà Nội cũng tìm đến, “lùng sục” để mua bằng được lúa nếp Tan Pỏm. Có những người trả giá 16.000 đồng/kg thóc cũng không có để bán.

Hiện nay, gia đình anh Hom hiện đang trồng 7 sào Tan trắng và 9 sào Tan đỏ, mỗi năm cho sản lượng 5 đến 6 tấn lúa. “Giống lúa nếp Tan Pỏm này chỉ được bón phân chuồng thì chất lượng hạt gạo mới thơm ngon, nếu bón phân hóa học thì sẽ không thơm mấy”, anh Hom chia sẻ.

Chi Tòng Thị Hương (bên trái) cho biết, giống lúa Tan Pỏm cho chất cơm dẻo, rất thơm, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng. Ảnh: Bình Minh

Cầm trên tay bông lúa nếp Tan Pỏm mới trổ bông, chị Tòng Thị Hương nở nụ cười tươi rói khi vụ này 3 sao giống lá nếp Tan Pỏm của gia đình sinh trưởng tốt. Chia sẻ với tôi, chị Hương nói, không biết giống lúa nếp Tan Pỏm này có từ bao giờ nhưng mà từ bé đã được ăn rồi. Gạo nếp Tan Pỏm vừa xát xong được đồ lên, cách 15 mét vẫn ngửi thấy mùi thơm của xôi, nếu được kết hợp với các loại lá cây để tạo nên món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Thái thì lại càng hấp dẫn khó cưỡng lại.

Nâng giá trị của giống lúa nếp Tan Pỏm

Để khai thác lợi thế vùng miền núi tạo ra sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến các giống lúa Tan Pỏm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai mô hình “Sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” tại xã Tà Hừa.

Theo đó, mô hình sản xuất giống lúa Tan Pỏm được thực hiện quy mô 20ha tại xã Tà Hừa trong vụ mùa năm 2022. Đây là giống lúa bản địa được lựa chọn xây dựng mô hình đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, có năng suất, chất lượng cao. Tham gia dự án có 124 hộ dân, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, được cấp giống đầy đủ, đúng định mức, quy định, phù hợp với quy trình kỹ thuật và đúng thời gian.

Dự án kỳ vọng tăng năng suất lúa nếp Tan Pỏm đạt trên 50 tạ/ha và được với giá bán trung bình từ 14.000 – 17.000 đồng/kg, doanh thu từ bán lúa đạt từ 64,6 – 72 triệu đồng/ha, lãi thuần mà các hộ tham gia có thể đạt từ 45 – 52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với ngoài mô hình.

Theo TS. Nguyễn Văn Chinh, Chủ nhiệm dự án (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc), đến thời điểm hiện tại lúa nếp Tan Pỏm đang sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh do được kiểm tra đánh giá và tuyên truyền bà con phòng trừ kịp thời, đúng thời điểm. Chuẩn bị phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho toàn bộ diện tích của mô hình. Hiện tại lúa đang ở thời kì chuẩn bị trỗ bông.

Dự án đã liên kết với Hợp tác xã Thanh Xuân chịu trách nhiệm thống nhất lựa chọn giống, lập kế hoạch sản xuất, tiếp nhận hỗ trợ của dự án, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, quản lý sản xuất với từng thành viên, chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ đầu ra sản phẩm lúa gạo nếp Tan Pỏm của mô hình.

Sau khi thăm mô hình khuyến nông sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại xã Tà Hừa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh lưu ý người dân, trong quy trình canh tác phải nâng cao sự đồng đều, đặc biệt, vấn đề ý thức của bà con trong vấn đề liên kết “cùng nhau bàn, cùng nhau làm ăn”.

Ông Thanh cũng đề nghị HTX Thanh Xuân phải cùng chịu trách nhiệm và chia sẻ lợi nhuận với bà con. “Việc tư duy để nâng cao giá trị sản phẩm bản địa nếu biết khuyến khích, tạo liên kết thì sẽ tạo ra sản phẩm rất giá trị”, ông nói.

Bình Minh

Check Also

Hà Nội: Kiểm tra đánh giá mô hình sản xuất giống ngô lai VS201

Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà …