Chương trình OCOP đang được triển khai rộng rãi trên nhiều địa phương trên cả nước và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một điển hình.
Tổng diện tích cam hiện tại xã Thượng Lộc là 220 ha, diện tích đang cho thu hoạch 150 ha. Năng suất cam đạt trung bình 11 – 14 tấn/ha. Sản lượng đạt 15 – 16 nghìn tấn/năm.
Tại xã có 350 hộ trồng cam, cam Thượng Lộc hiện đang được đánh giá là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Cam Thượng Lộc có lợi thế về chất lượng vị ngọt thanh, mát, hình thức mẫu mã đẹp, vỏ quả mỏng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Cam Thượng Lộc có chất lượng, tuy nhiên việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết còn yếu, vì vậy thương hiệu sản phẩm vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chưa có tổ chức nông dân thực thụ để tổ chức sử dụng và quản lý khai thác có hiệu quả sản phẩm.
Do đó, việc phát triển sản phẩm cam Thượng Lộc theo hướng OCOP là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên.
Thông qua chương trình OCOP, đơn vị thực hiện (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông) đã áp dụng công nghệ nhằm nâng cao sản phẩm qua nhiều biện pháp như áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; bón phân vi sinh, sử dụng thuốc BVTV hợp lý; cắt tỉa cành tạo tán; thu hái, bảo quản và sử dụng màng bọc trong quá trình đóng gói, lưu trữ sản phẩm.
Không những vậy, Viện KHNNVN cùng Trung tâm CGCN & KN còn giúp các HTX, hộ nông dân cải thiện kế hoạch kinh doanh để triển khai có hiệu quả, đồng thời đánh giá và phân hạng sản phẩm, sau đó tiến hành xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm khẳng định giá trị và thương hiệu Cam Thượng Lộc. Đây là cơ sở xây dựng thành công thương hiệu “Cam Thượng Lộc” nhằm tạo thuận lợi cho sản phẩm cam “đứng được” trên thị trường trong tỉnh và vươn ra thị trường ngoài tỉnh…