Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện chuyên gia của các cơ quan Trung ương: Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Chất lượng Chế biến và PTNT, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Bắc Giang; Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang và các đơn vị trực thuộc; đại diện Trung tâm Khuyến nông, hợp tác xã và nông dân tiêu biểu các tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang; Một số doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đồng chủ trì Diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên thế giới tại Việt Nam. Đánh giá kết quả triển khai các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại các địa phương:

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) hướng đến nền nông nghiệp xanh đang là xu thế phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp; đây được coi là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, là định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai khi Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã phê duyệt, ban hành các văn bản chính sách về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như: Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ nhằm quản lý phát triển sản xuất NNHC ở Việt Nam; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030… nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều địa phương đã bước đầu quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ và hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình sản xuất hữu cơ, hoặc huy động đóng góp từ doanh nghiệp, hoặc có sự hỗ trợ của dự án nước ngoài.

Theo báo cáo của Cục Chất lượng Chế biến và PTTT nông sản, số lượng tỉnh, thành phố cả nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ tăng từ 46 tỉnh năm 2018 lên đến 63 tỉnh trong năm 2023; Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (đến năm 2023) khoảng trên 175 nghìn ha, tăng 50% so với năm 2016 (trồng trọt hữu cơ đạt 63.536 ha, tăng 19%; nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 100.000 ha, tăng 71,8%; thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ đạt 12.450 ha, tăng 72,7%).

Tuy nhiên, sản xuất NNHC, NNTH tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc gặp những khó khăn như: Quy mô các mô hình còn nhỏ khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn; việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của NNHC là một thách thức lớn; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; thói quen của người dân trong việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất vẫn còn phổ biến; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất NNHC, tuần hoàn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phí chứng nhận sản xuất NNHC cao, không đồng nhất giữa các đơn vị chứng nhận; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NNHC, tuần hoàn chưa thực sự là động lực để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia,…

Nhận thức được vai trò của sản xuất NNHC, tuần hoàn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng nhiều mô hình, dự án tiêu biểu, góp phần phát triển sản xuất NNHC, tuần hoàn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững như: Dự án “Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh Phía Bắc” giai đoạn 2019-2021, được triển khai tại các tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc; Dự án “Ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ”, giai đoạn 2019-2021 được triển khai tại Hà Nội, Hòa Bình; Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai”, giai đoạn 2020-2022; Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè xanh phục vụ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2023-2025, được triển khai tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Dự án “Xây dựng mô hình trồng Quế theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”, giai đoạn 2022 – 2024, được triển khai tại Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái; Dự án “Xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu”, giai đoạn 2022-2024, được triển khai tại Quảng Ninh, Lạng Sơn; Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Phú Thọ; Mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm Triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội; Mô hình chăn nuôi bò tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm Mô hình triển khai tại Phú Thọ và Hà Nội… Thông qua mô hình, dự án người dân được tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển NNHC, NNTH khu vực Trung du Miền núi phía Bắc được đưa ra như sau:

1. Quy hoạch và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu để phát triển bền vững. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất NNHC, tuần hoàn.

2. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế; tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm NNHC, tuần hoàn. Từ đó, vừa nâng cao ý thức cho bà con nông dân về sản xuất sạch, an toàn, vừa nhân rộng mô hình và tạo sự phát triển bền vững.

3. Huy động nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với lợi thế vùng nguyên liệu tập trung, phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch văn hoá; Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm NNHC.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu tham quan mô hình sản xuất vải sớm theo tiêu chuẩn GlobalGAP xã Phúc Hòa huyện Tân Yên và mô hình sản xuất măng Lục Trúc theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; chia sẻ thực trang, khó khăn và kinh nghiệm trong việc phát triển NNHC, tuần hoàn.

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học là cơ sở  để các đơn vị chuyên môn tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nói chung và NNHC, tuần hoàn nói riêng, đề xuất những giải pháp về quản lý và định hướng hoạt động KHCN cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

      

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất vải sớm theo tiêu chuẩn GlobalGAP xã Phúc Hòa huyện Tân Yên và mô hình sản xuất măng Lục Trúc theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang 

                  Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia