Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Một 2024

Thành Tựu Khoa Học

 

  • Năm 1952:

Đồng hành với sự thành lập Viện Khảo cứu trồng trọt, Viện Khảo cứu chăn nuôi. Cũng là lúc Trại Thí nghiệm, Thực nghiệm Sông Lô ra đời có trụ sở tại xã Thái Bình huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Ở thời điểm sơ khai ấy, nhiệm vụ chủ yếu của Trại là xây dựng cơ sở đồng ruộng, chuồng trại và kiểm định lại kết quả điều tra giống cây trồng, vật nuôi và các biện pháp kỹ thuật tốt của nông dân đưa về Trại xác định thấy có kết quả tốt lại đưa xuống phổ biến cho nông dân áp dụng như:

– Kỹ thuật tuyển chọn giống cây trồng tốt, vật nuôi tốt.

– Kỹ thuật ủ phân và bón phân hợp lý cho cây trồng.

– Kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu và trồng cây phân xanh.

– Kỹ thuật làm ruộng bậc thang, kỹ thuật trồng cây theo đường đồng mức.

– Kỹ thuật trồng khoai lang,…

Nhưng nổi bất nhất là kỹ thuật đưa giống Ngô đồi xuống ruộng và đã xây dựng thành công mô hình ở xã Xuân Huy (Phú Thọ) đưa năng suất Ngô tăng gấp đôi. Mô hình này đã được mở rộng ra các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tiến bộ này đã được Chính phủ tặng Bằng khen và được Tổng bí thư Trường Chinh gửi thư khen ngợi.

Hòa bình lập lại, Viện Khảo cứu trồng trọt chuyển về Hà Nội với tên gọi Viện Khảo cứu Nông lâm. Năm 1955-1957, Viện đã thu nhận một diện tích đồng ruộng khá lớn ở Quang Trung – Gia Lâm, Hà Nội với 200 ha, Bắc Khê – Văn Giang, 67 ha và Bạch Mai, Hà Nội 33,2 ha để thành lập các trại nghiên cứu tổng hợp. Quang Trung – Gia Lâm do Giáo sư Vũ Công Hậu làm Trưởng trại, Trại hoa màu Bắc Khê – Văn Giang do Ông Nguyễn Văn Nhượng làm trưởng trại, Trại thực tập Văn Điển 100 ha thuộc trường Đại học Nông lâm do Ông Hồ Đắc Song làm trưởng trại.

Các Trại có nhiệm vụ: xây dựng và thiết kế đồng ruộng, chuồng trại phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Điều tra thu thập các nguồn gen quý của cây trồng, vật nuôi, côn trùng, bệnh hại cây trồng và gia súc làm tiêu bản giúp cho công tác nghiên cứu và giảng dạy; Lưu trữ và nhân các giống cây trồng, vật nuôi khảo sát đánh giá hàng trăm giống cây trồng như: lúa, ngô, khoai tây, đậu, lạc, vừng, bông, cây ăn quả…Các giống vật nuôi như: giống lợn Ỉ Nam Định, lợn lông trắng đen, lợn Móng Cái, Lợn Ỉ Mường Khương, giống bò Laisin, giống gà Mía, giống gà Hồ, gà Đông Tảo…

Sản xuất và nhân giống các giống cây trồng và vật nuôi tốt phục vụ nhu cầu cho nông nghiệp nông thôn;

Rèn luyện tay nghề cho sinh viên về kỹ thuật trồng trọt (có lâm nghiệp), chăn nuôi thú y, cơ khí, kinh tế nông nghiệp;

Kết quả nổi bật trong giai đoạn này là góp phần lưu trữ, cất giữ hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi, các côn trùng sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi để phục vụ nghiên cứu và sản xuất;

Đặc biệt giai đoạn này là kỹ thuật nuôi Bèo hoa dâu trong mùa nóng thành công và được nhận Huân chương lao động hạng ba.

  • Giai đoạn 1958-1963:

Viện Khảo cứu nông lâm sáp nhập với trường Đại học Nông lâm thành Học Viện Nông lâm và chuyển trụ sở từ Văn Điển về Gia Lâm. Học Viện được Nhà nước giao cho 600 ha đất (Ở Gia Lâm 200 ha, Tam Thiên Mẫu 300 ha, Bắc Khê 76 ha, Bạch Mai 33 ha).

Học Viện đổi Trại Thí nghiệm Thực nghiệm thành Nông trường Quang Trung do ông Hồ Đắc Song làm Trại trưởng và ông Vũ Công Hậu làm Trại phó. Còn 100 ha đất ở Văn Điển chuyển thành Trại trồng cây đầu tiên nuôi Cánh kiến xuất khẩu.

Nhiệm vụ lúc này của Nông trường và các Trại là:

– Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thiết kế đồng ruộng, chuồng trại thí nghiệm, trại nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, xưởng cơ khí,….

– Rèn luyện tay nghề cho sinh viên, quản lý và triển khai tốt các thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy;

– Sản xuất và thực nghiệm các giống cây trồng vật nuôi (gia súc gia cầm và thủy hải sản);

Lập quy trình và hồ sơ thống nhất về phương pháp thu thập các loại giống cây trồng, vật nuôi giao cho cán bộ và sinh viên đi các tỉnh thu thập về để nhân, giữ và bảo quản nguồn gen quý đã có từ trước đến khi thu thập. Trong 4 năm ấy Trung tâm đã nhận giữ hàng trăm giống lúa, ngô, khoai, đậu lạc, vừng, cây ăn quả, cây lấy sợi, cây làm thuốc và hàng chục giống vật nuôi có nguồn gen quý như:

+ Tập đoàn lúa nếp (Nếp cái hoa vàng, nếp cẩm…), tập đoàn giống lúa thơm (Tám thơm Hải Hậu, tẻ tép…), tập đoàn các giống chịu mặn, chịu phèn, chịu sâu bệnh, chống đổ,…

+ Tập đoàn giống ngô (giống Bắc Ninh; Tập đoàn giống lạc quý (giống lạc đỏ Nghệ An, giống lạc đỏ Bắc Giang;

+ Tập đoàn giống rau (giống rau muống đỏ, rau muống trắng, giống cải canh, cải bẹ Đông Dư…).

+ Tập đoàn giống mía (Gie Đồng – Vĩnh Phúc, giống mía đỏ Tuyên Quang…).

+ Tập đoàn cây ăn quả (giống bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn, giống Hồng thị Sơn Tây, giống Nhãn Hưng Yên, giống Vải Thiều Hải Dương, giống Cam canh Hà Nội, giống quýt Lý Nhân – Hà Nam, Chuối ngự Nam Định, Ổi cầu Bo – Thái Bình, Khoai tây Thường Tín, giống ổi găng Gia Lâm…).

+ Tập đoàn cây lấy sợi ( giống Bông cỏ, giống Bông cái hoa trắng…).

+ Tập đoàn cây thuốc (giống Sa Nhân, Táo mèo, Sâm núi, Tía tô, Bạc hà…).

+ Tập đoàn đậu đỗ (đậu lấy hạt, đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu rau như đậu đũa, đậu ván, đậu trạch, đậu đỏ…).

+ Tập đoàn cây dây leo (Bí xanh quả dài, Mướp hương, Bí đỏ quả tròn, Bí đỏ quả dài, Su su, Mướp đắng…).

Về giống vật nuôi đã thu thập và nuôi giữ được một số các loại giống quý như:

+ Giống lợn Ỉ Nam Đinh, lợn Ỉ Mường Khương, lợn Ỉ Lang Hồng, lợn Móng Cái, các giống lợn nhập nội như Đại Bạch, Berkshire, Landrace để thuần hóa và lai tạo.

+ Các giống gà Ri, gà mía, gà Hồ, gà Đông Tảo và thuần hóa giống gà Rhode để lai tạo thành giống gà Rhode – Ri cho năng suất cao đẻ nhiều trứng,…

+ Giốn vịt cỏ Vân Đình, vịt bầu bến Bắc Kinh, vịt lai ngan cho năng suất cao đẻ trứng tốt,…

+ Ngỗng có bộ ganto (ngỗng sư tử);

+ Giống bò có bò Laisin, bò lông trắng đen cho năng suất và sữa cao;

+ Giống ngựa nuôi lái với ngựa Khapachim cho ngoại hình và trọng lượng cao.

Thí nghiệm thành công các loại Vacxin để phòng trị các bệnh như dịch tả, lợn con ỉa cứt trắng lợn đóng dấu, toi gà, bệnh lỡ mồm long móng, Vacxin phòng chống bệnh dại ở chó mèo,…

Thực nghiệm thành công liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng (vàng lùn, khô vằn, bạc lá, rỉ sắt..);

Về cơ khí đã khảo nghiệm các loại máy kéo lớn nhỏ thành công trong việc lắp đặt bánh phụ vào bánh lớn để đưa máy kéo vào hoạt động ở ruộng trũng. Khảo nghiệm thành công các loại máy nông nghiệp đi kèm với đầu máy kéo như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập, máy bơm nước, máy phun thuốc sâu cho từng loại cây trồng.

Lập bản đồ đất cho các hợp tác xã, xây dựng quy trình bón phân thích hợp cho từng loại cây trồng.

Gieo trồng và bảo quản tốt tập đoàn thức ăn gia súc gia cầm và thức ăn cho động vật thí nghiệm.

Về nuôi cá và chế biến hải sản cùng với trại cá Đình Bảng và Gia Lâm cũng đã khảo nghiệm thành công kỹ thuật cho cá chép đẻ giải quyết khó khăn về cá bột cho sản xuất.

Thu thập giống bèo hoa dâu từ.. và La Vân – Thái Bình và giống Bèo hoa dâu tự nhiên trên đồng ruộng để lai tạo chọn lọc giống bèo cánh dài phát triển nhanh cả trong vụ đông và vụ hè, đồng thời khảo nghiệm thành công kỹ thuật nhân bèo, vùi bèo, san bèo đưa vào sản suất giải quyết khó khăn khi nông dân thiếu phân vô cơ bón ruộng. Thành qủa về kỹ thuật bèo hoa dâu đã được Bộ và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, hai đồng chí trực tiếp chỉ đạo là GS Bùi Huy Đáp và cán bộ kỹ thuật kỹ thuật Phạm Hùng Dầu được tặng thưởng Huân chương hạng ba, cán bộ kỹ thuật của Trại là đồng chí Trương Vạn Tầng được Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ.

Tổ nghiên cứu khảo nghiệm nông cụ cải tiến máy cày hai bánh hai lưỡi, máy cấy, trục đập lúa cũng được Bộ Nông nghiệp tặng Giấy khen.

  • Giai đoạn 1963-1967:

Bộ Nông nghiệp quyết định tách Học viện Nông lâm ra làm hai cơ quan là: Trường Đại học Nông lâm và Viện Khoa học Nông nghiệp. Viện Khoa học Nông nghiệp có trụ sở tại Văn Điển, trong cơ cấu tổ chức của Viện có Trại thí nghiệm Nông nghiệp Văn Điển (Tiền thân của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông ngày nay) có nhiệm vụ:

– Xây dựng lại cơ sở vật chất kỹ thuật về đồng ruộng chuồng trại, xưởng sửa chữa máy kéo và nông cụ cải tiến phục vụ cho nhu cầu công tác nghiên cứu khoa học của các Ban Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Cơ khí nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp, các Phòng Nghiên cứu bảo vệ cây trồng, vật nuôi, Phòng Phân tích hóa lý đất, Phòng Nghiên cứu thủy nông;

– Bố trí nhân lực, cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện hàng trăm thí nghiệm của Viện Khoa học nông nghiệp được Bộ giao hàng năm;

– Thực nghiệm đánh giá lại các kết quả nghiên cứu đã kết luận có triển vọng, rồi xây dựng mô hình, tổ chức cho các cán bộ địa phương tham quan trước khi đưa vào sản xuất trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

– Nhân và sản xuất giống cây trồng và vật nuôi đã được nhà nước công nhận (giống gốc, giống nguyên chủng và siêu nguyên chủng), cung cấp cho các cơ sở thực nghiệm ở các địa phương. Đồng thời cũng sản xuất giống thuần về cây trồng, vật nuôi để cung cấp cho các địa phương.

Trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ: vụ xuân thành vụ chính thay cho vụ lúa chiêm có năng suất cao lại có thêm vụ đông góp phần đưa năng suất lúa lên 5 tấn/ha, đồng thời giúp cho ngô, đậu tương và khoai tây đông phát triển cả về diện tích và năng suất là một thành tích lớn của Viện Khoa học nông nghiệp. Ở kỹ thuật chuyển vụ này vấn đề khó khăn nhất là mạ xuân chết rét, Trại đã giúp Viện thực nghiệm thành công xử lý giúp hạt giống lúa mới gặt bằng phân lân và hóa chất để nhân nhanh giống cây trồng phục vụ vụ xuân. Đồng thời thí nghiệm và thực nghiệm thành công kỹ thuật gieo mạ không đất trên nền gạch hoặc trên nền đất cứng (bờ ruộng, bờ mương, bờ đường) chỉ tưới nước và che kín khi trời rét, mạ được 3-5 lá đem cấy. Với kết quả này đã giúp Viện chỉ đạo gieo cấy lúa xuân thay lúa chiêm trên toàn bộ diện tích Miền Bắc đưa năng suất lúa lên 5 tấn/ha ăn chắc. Chương trình này đã được Nhà nước tặng giải thưởng 4.000 đồng chung cho Viện, còn Trại Thí nghiệm nông nghiệp Văn Điển được giữ cờ thưởng luân lưu và được thưởng 300 đồng của Bộ Nông nghiệp.

  • Giai đoạn 1968 – 1975:

Đế quốc Mỹ leo thang tấn công Miền Bắc bằng máy bay, Viện, các Ban, Phòng nghiên cứu đi sơ tán về các địa phương, nhiệm vụ của Trại Thí nghiệm nông nghiệp Văn Điển lúc này không phải chỉ làm nhiệm vụ phục vụ công tác nghiên cứu thí nghiệm mà chuyển sang nhiệm vụ vừa bám trụ chiến đấu chống giặc vừa sản xuất các giống có triển vọng đã được Bộ công nhận đưa vào sản xuất như các giống lúa NN8, NN5, NN23, NN22, Nếp 45, Xi… mỗi năm 300 tấn theo chỉ tiêu Bộ giao tại cơ sở Văn Điển cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, nơi là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ.

Trong khó khăn gian khổ, Trại thí nghiệm Nông nghiệp Văn Điển vẫn kiên cường bám địa bàn, cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu mỗi vụ 150 tấn thóc và 25 tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra còn cung cấp góp phần nâng cao đời sống CBCNV trong Viện với hàng ngàn con gà, hàng vạn quả trứng và nhiều tấn thức ăn tinh cho gia súc gia cầm,…

Kết quả sản xuất và chiến đấu trong giai đoạn này Trại Thí nghiệm nông nghiệp Văn Điển đã được Quân khu thủ đô tặng Bằng khen.

  • Giai đoạn 1975-1976:

Hòa bình lặp lại các cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp trở lại Văn Điển từ nơi sơ tán, lúc này Trại tập trung vào việc khắc phục hậu quả của chiến tranh như: san lấp hố bom, củng cố lại tổ chức xây dựng lại thí nghiệm đồng ruộng và chuồng trại phục vụ cho công tác thí nghiệm của các bộ môn nghiên cứu cơ bản, các Trung tâm nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có triển vọng đưa vào sản xuất. Bản thân Trại Thí nghiệm nông nghiệp Văn Điển trực tiếp nghiên cứu thuần hóa giống khoai tây mới và khảo sát giống khoai tây Đức, Hà Lan và kỹ thuật bảo quản giống khoai tây bằng kho lạnh. Đề tài có kết quả thành tiến bộ đưa vào phục vụ sản xuất cây vụ Đông ở các tỉnh.

  • Giai đoạn 1977-1987:

Giai đoạn này tuy có thay đổi về tên gọi và Lãnh đạo Trại Thí nghiệm nông nghiệp Văn Điển nhưng nhiệm vụ cơ bản của Trại vẫn là:

– Khảo nghiệm các tiến bộ kỹ thuật đưa vào sản xuất;

– Phục vụ các chương trình đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam;

– Trực tiếp nghiên cứu đề tài về khoai tây với Đức và Hà Lan;

– Sản xuất nhân giống cây trồng và vật nuôi đưa về phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân;

– Quản lý và xây dựng Trại cho sát với yêu cầu thực tế thay đổi cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, khi các Viện chuyên ngành, chuyên đề, chuyên cây, chuyên con tách ra thành 8 Viện.

  • Giai đoạn 1988-1990:

Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam đã nhập Bộ môn Giống lúa và Trại thành Trung tâm Giống lúa; tách Bộ phận Nghiên cứu khoai tây ra thành Trung tâm nghiên cứu cây có củ. Đồng thời, Viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp do đích thân Viện trưởng – GS.VS Đào Thế Tuấn làm Giám đốc Trung tâm. Nhiệm vụ của Trung tâm lúc này có thay đổi:

– Trung tâm Giống lúa có ba bộ phận là: Bộ phận nghiên cứu lúa thuần, bộ phận nghiên cứu lúa lai và Trại Văn Điển. Bộ phận lúa thuần và lúa lai có nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu cho các chương trình dự án nghiên cứu về lúa, Trại làm nhiệm vụ phục vụ cho các chương trình của Viện và thực nghiệm đánh giá kết quả các tiến bộ kỹ thuật đã được các nhà Khoa học đề nghị thí nghiệm mở rộng trước khi đưa vào sản xuất đại trà;

– Phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu lúa lai F1 để giảm dần nhập khẩu;

– Kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học Trung Quốc chủ động nhập các giống lai như Tạp giao 4, Tạp giao 5, lúa thuần Khang dân đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân và nông thôn nước ta;

– Nhận kiểm định đánh giá lại kết quả lúa lai do các nhà khoa học tạo ra như: Các giống lúa lai cải tiến BM9895, Xi21, Xi23, AIT77, giống lúa lai HYT 57, LT2; các giống lạc GB78, 1660, MD7, kỹ thuật phục tráng khoai tây bằng hạt, phương pháp bảo quản giống khoai tây bằng kho lạnh, kỹ thuật che phủ nilong cho lạc có kết quả phục vụ sản xuất;

– Nhận khảo sát đánh giá tập đoàn quỹ gen cây trồng, quỹ gen vi sinh vật hàng năm thông qua cây trồng. Kỹ thuật bón lân cho đồng trũng, kỹ thuật canh tác ở vùng đồi núi phục vụ nghiên cứu nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả cao;

– Hàng năm đã nhân nhanh các giống cây trồng đã được nhà nước cho nghiên cứu, khu vực hóa và cho mở rộng trong sản xuất hàng chục tấn giống lúa, ngô, khoai, sắn, đậu lạc, vừng vượt mức chỉ tiêu Bộ và Viện giao;

– Hàng năm Trung tâm có cử cán bộ chuyên gia giúp các nước phát triển nông nghiệp như: I Rắc, Angola, Modambich, Cuba… đồng thời cũng thực hiện tốt các đề tài hợp tác quốc tế như: Lai tạo một giống ngô với Hungari và Rumani, khoai tây với Đức, Hà Lan, đậu đỗ với Ấn Độ và Liên Xô, công nghệ sinh học với Bỉ, thủy nông với Pháp,…

  • Giai đoạn từ 1991 – 2005

Trung tâm đã triển khai thực hiện đúng yêu cầu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam. Chuyển giao kết quả nghiên cứu cây vụ đông như: Đậu tương đông, khoai tây, ngô gieo trong bầu và tạo giống ngô nếp S2 chín sớm giúp cho vụ đông thành vụ sản xuất giữa hai vụ lúa. Đồng thời Trung tâm cũng đã lai tạo được một số giống cây trồng thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau như: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, Bắc và Nam khu 4.

Do những đóng góp trên 2 cán bộ của Trung tâm được phong tặng “Anh hùng lao động” là Ông Đào Thế Tuấn và Ông Tạ Minh Sơn. Nhiều cán bộ Trung tâm được tặng thưởng huân chương lao động hạng ba, hạng hai như các ông Đào Thế Tuấn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Tạ Minh Sơn, nhiều cán bộ là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền như bà Nguyễn Thị Kim Luân,…