Thứ Ba, 15 Tháng Mười 2024

Nông nghiệp giữ tăng trưởng dương

Tuy mức tăng trưởng GDP toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 không cao, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ NN-PTNT diễn ra sáng 29/6. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ NN-PTNT diễn ra sáng 29/6. Ảnh: Tùng Đinh.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,6 tỷ USD

Sáu tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid – 19 trên toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp, trong nước và quốc tế; tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán nhiều nơi tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ và ĐBSCL.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, GDP toàn ngành quý I năm 2020 tăng 0,08% so với cùng kỳ 2019, trong đó lâm nghiệp tăng 5,03%, thủy sản tăng 2,79%, nông nghiệp giảm 1,17%.

Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng trưởng tương đương với cùng kỳ, trong đó lâm nghiệp tăng 5,13%, thủy sản tăng 2,85%, trồng trọt tăng 0,12%, chăn nuôi giảm 3,62%. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt gần 27,6 tỷ USD.

Đến tháng 5/2020, đàn gia cầm của Việt Nam đã tăng trưởng 11,5% để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do dịch tả Châu Phi. Ảnh: Minh Phúc.

Đến tháng 5/2020, đàn gia cầm của Việt Nam đã tăng trưởng 11,5% để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do dịch tả Châu Phi. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nông sản Việt Nam đã đi vào chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất hơn.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%. Mô hình khuyến nông rải vụ trái cây đã giảm áp lực đầu ra vào thời gian chính vụ, giúp giá trái cây ổn định và cao hơn chính vụ 1,5 đến 2 lần.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả; ở nhóm sản phẩm OCOP kết hợp truyền thống với ứng dụng KHCN đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

Ổn định sản xuất các ngành hàng chủ lực

Tính đến giữa tháng 5, cả nước đã thu hoạch được 2.376,7 nghìn ha lúa, bằng 97,9% cùng kỳ. Ước năng suất lúa bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 66,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 15,76 triệu tấn, giảm 307,4 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Lĩnh vực chăn nuôi vẫn giữ được đà tăng trưởng tương đối tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Nhiều địa phương đã công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn, tuy nhiên, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn, ngành nông nghiệp vẫn giữ tăng trưởng dương, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn, ngành nông nghiệp vẫn giữ tăng trưởng dương, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 5/2020, tổng đàn lợn giảm 6,2% so với cùng kỳ; đàn gia cầm tăng 11,5%; đàn bò tăng 3,7%.

Về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Ước 6 tháng đầu năm, thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ước 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 3,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 1,85 triệu tấn, bằng 98%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 2 triệu tấn, tăng 6,8%.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tích cực đàm phán, xúc tiến quảng bá mở cửa thị trường xuất khẩu tiềm năng, giữ ổn định các thị trường truyền thống. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại…

Đồng thời, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, vướng mắc sản phẩm thủy sản (thẻ vàng của EC, tôm vào thị trường Úc và Ả Rập Xê Út, cá tra vào Hoa Kỳ).

Toàn ngành đã chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực – thực phẩm tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Do vậy, sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 của toàn ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới bị suy giảm bởi dịch Covid-19.

 

 

 

Check Also

Nền tảng số giúp nông dân tự tin sản xuất, tiêu thụ nông sản

Công nghệ số làm điểm tựa tiêu thụ sản phẩm Ngày 6/12 tại Hưng Yên, …