Thứ Ba, 15 Tháng Mười 2024

Hội nghị: Đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn các giống cây trồng thảo dược tại tỉnh Hưng Yên

Ngày 27/5/2023, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn các giống cây trồng thảo dược (lúa thảo dược, lạc đen, đậu tương đen) thuộc đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống cây trồng thảo dược (lúa cẩm, đậu tương và lạc đen) theo chuỗi giá trị có hiệu quả cao tại tỉnh Hưng Yên” tại xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Tham dự Hội nghị có ông Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở KH&CN; Đại diện Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên; Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên; đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Khoái Châu; Ân Thi và lãnh đạo các xã Nhật Quang, Chí Tân. Về phía Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông có ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm đề tài; bên cạnh đó có sự tham dự của Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh và hơn 50 hộ nông dân tham gia các mô hình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thăm và đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn hai giống lúa thảo dược Thảo Cẩm 9 và ĐH9 với quy mô 2ha trên cánh đồng xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ và nghe báo cáo kết quả thực hiện các mô hình trình diễn các giống cây trồng thảo dược (lúa thảo dược, lạc đen, đậu tương đen) tại các huyện Phù Cừ và Khoái Châu trong vụ Xuân 2023. Các giống cây trồng thảo dược tham gia mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với khung thời vụ sản xuất và điều kiện sinh thái tại địa phương, cho năng suất dự kiến từ 57 – 58 tạ/ha (Thảo cẩm 9), 55 – 57 tạ/ha (ĐH9), 31 – 32 tạ/ha (lạc đen CNC1) và từ 17 – 18 tạ/ha (đậu tương đen S20), hiệu quả kinh tế của các mô hình cao hơn sản xuất đại trà tại địa phương từ 20-50%.

Hội nghị đã nghe 12 ý kiến của các hộ nông dân trực tiếp tham gia các mô hình phát biểu, lãnh đạo các xã trực tiếp thực hiện các mô hình lúa, lạc và đậu tương thảo dược cũng như các đại biểu khối quản lý nhà nước đều cho thấy các giống lúa, lạc và đậu tương sinh trưởng, phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế cao, chống chịu tốt với các điều kiện ngoại cảnh, phù hợp với đồng đất và điều kiện canh tác của người dân Hưng Yên; ít sâu bệnh hại, giảm được nhiều thuốc bảo vệ thực vật,… và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để mở rộng diện tích với quy mô lớn trong thời gian tiếp theo.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và Khuyến nông nhấn mạnh các giống cây trồng thực hiện trong đề tài là các giống đặc sản (lúa cẩm, lạc đen, đậu tương đen) có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất, vi lượng, chất béo thực vật và các vitamin A, B, lipit, canxi, kẽm, sắt, chất xơ, Omega 3, Omega 6, Omega 9,  anthocyanin,… có tác dụng bổ máu, phòng chống ung thư, chống loãng xương, rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, gạo màu giúp ổn định đường huyết. Vì vậy, khi gieo trồng cây trồng thảo dược cần được quy vùng sản xuất tập trung, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thu hoạch đúng thời điểm và sấy khô phải qua máy sấy đúng kỹ thuật sấy khô mới đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm. Do đó, khi sản xuất cây trồng thảo dược thì doanh nghiệp và nhà khoa học phải đồng hành ngay từ lúc đầu gieo trồng cho đến thu hoạch và chế biến; doanh nghiệp ký hợp đồng với người sản xuất thu mua sản phẩm theo hợp đồng để đảm bảo tiêu thụ với giá trị kinh tế tốt cho người sản xuất.

Cùng quan điểm, Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cũng đánh giá các giống cây trồng thảo dược trong đề tài là các sản phẩm có tiềm năng phát triển và sẽ trở thành sản phẩm có nhu cầu lớn trên thị trường. Tuy nhiên cần chú ý đến các vấn đề như: khâu thu hoạch tránh lẫn giống giảm chất lượng sản phẩm; có chiến lược phát triển các giống cụ thể hơn như quy hoạch vùng sản xuất; các hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân; kênh tiêu thụ; kế hoạch marketing; nâng cao cơ sở hạ tầng nhằm xử lý chế biến đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó bà Mạnh Hiếu nhấn mạnh vai trò của “liên kết 7 nhà: Nhà nước; Nông dân; Nhà khoa học; Doanh nghiệp; Ngân hàng; Nhà phân phối, Nhà bán lẻ”. Đây là liên kết cần được kết nối chặt chẽ trong thời gian tiếp theo để thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao kết quả của đơn vị thực hiện đề tài Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông; sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện các thí nghiệm, mô hình trình diễn thực tiễn tại các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu đối với lúa Thảo cẩm 9, lúa ĐH9; đậu tương đen S20; lạc đen CNC1. Giám đốc Sở cũng đề nghị đơn vị Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông tiếp tục phối hợp với các địa phương, các đơn vị chuyên môn của tỉnh tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng các giống nhất là các hàm lượng dược chất tốt có trong gạo, lạc, đậu tương; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình và triển khai các nội dung tiếp theo của đề tài. Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đó đối tác quan trọng nhất là Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh để hợp tác xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cho người dân nói chung và các sản phẩm của mô hình nói riêng.

Nhóm biên tập Cetdae

Check Also

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông xin gửi kết quả công nhận …